Chữa lành

1.Nếu khoảnh khắc của ngày hôm qua là nước mắt của chú hề thì khoảnh khắc của ngày hôm nay chắc sẽ là chuyến taxi buổi sáng sớm đi qua Hồ Tây. Đương nhiên, sự kiện tuyệt nhất vẫn sẽ là sự kiện Nhộng có master-license từ Flappy Bird nhưng khoảnh khắc tuyệt nhất phải là khoảnh khắc mờ sương ấy.

Foggy West Lake

Để nói hồ Tây đẹp thế nào thì có thể show ra bức ảnh hoàng hôn sau mưa của một buổi chiều hè như thế này. Nhưng mà, để là một hồ Tây rất là Hà Nội thì có lẽ nên là một hồ Tây thật sự lãng đãng trong một buổi sáng đầy sương mù. Hồ đẹp vì chẳng ai nhìn thấy đủ, chẳng ai nhìn thấy rõ nó cả. Chỉ thấy thấp thoáng xa xa là một vài người đang câu cá trong sương.

Sáng, dậy từ 4h kém để bay chuyến 6h. Hơn 8h vài phút hạ cánh xuống Nội Bài và không hiểu tại sao phi công có thể hạ cánh được vì sương mù dày đặc. Gần 2h trên máy bay đủ để đọc nốt cuốn sách ngày hôm qua mua, cuốn “Chữa lành” của Nellie Hermann. Gần 10 phút đi vòng quanh hồ Tây trong sương tự nhiên cảm thông hơn về cái kết quá ngắn của cuốn sách.

2.Để nói về cuốn sách, mình rất muốn nhảy vào giữa chừng. Mà thực sự là giữa chừng, vào trang 159 của một cuốn sách có 325 trang. Đó là hình ảnh Ruby, nhân vật nữ chính của cuốn sách chuẩn bị đi dự dạ tiệc tại trường học vào cuối năm. Mẹ và anh trai khen cô ăn mặc đẹp. Trong lúc đó, một anh trai khác mới phát hiện u não sắp chết còn bố của cô thì mới mất cách đó chưa đầy một năm.

[quote cite=”Chữa lành”]Tim không muốn đụng vô Ruby, cô biết vậy, anh ấy sẽ không chạm vào cô, và anh trai cô thì hôn mê ở đầu thị trấn ngay lúc này, ngay bây giờ, trong khi họ ngồi đó, nói chuyện phiếm về bộ phim mới của Alicia Silverstone, thì một cái ống đặt vào mồm đang thở dùm cho anh ấy.[/quote]

Nhất thiết đừng phán xét gì vội bạn nhé. Hãy đọc tiếp hai đoạn trích dẫn này đã nhé.

[quote cite=”Chữa lành”]Cái hiện trạng này mới vô lý quá đi; cô cảm thấy mình như một con búp bê Nga, bên ngoài hoa gấm mỹ miều và với những phiên bản khác của mình để ở bên trong.[/quote]

[quote cite=”Chữa lành”]Căn phòng là một pháo đài. Không có nó thì căn nhà cũng không nghĩa lý gì. Trong mấy năm vừa qua cô cứ rút lui dần khỏi phần còn lại của ngôi nhà, rút lui dần dần tới mức không nhận ra nó trọn vẹn ra sao. Ruby đi từ phòng mình tới phòng tắm rồi quay về; từ phòng mình ra nhà bếp rồi trở lui; từ phòng mình tới cái TV rồi ngược lại. Lúc nào cũng trở lại căn phòng mình.

Bên ngoài căn phòng, thế gian là không quen biết, là những chuyện kỳ quặc, là bệnh tật, căn nhà bị ám bởi u sầu và điên loạn và chết chóc. Bên trong căn phòng, cô là học sinh trung học.[/quote]

Ẩn dụ về con búp bê matryoshka là ẩn dụ hay trong cuốn truyện này (nó cũng như ẩn dụ về chú hề vậy). Ruby là cô bé lớn lên với 3 người anh và với bố mẹ của mình. Bố là người Do Thái, đã từng mất cả gia đình trong trại tập trung nhưng lại sống sót và tiếp tục cuộc sống vật lộn với trí nhớ của mình về quá khứ. Ba ông anh rất tuyệt nhưng một ông thì tự dưng lên cơn điên dại, bố mất chưa đầy một năm vì u não thì một ông anh khác cũng lăn ra bị u não. Và Ruby đang học trung học, và Ruby mong đợi bữa tiệc cuối năm để có thể đi với bạn trai mà mình thích.

Thành thật mà nói, cảm giác ăn mặc đẹp đi tới một bữa tiệc mà đáng nhẽ ra mình rất muốn vui vẻ để đi, đáng nhẽ ra mình có quyền tận hưởng bữa tiệc đó, đáng nhẽ ra mình không phải buồn vì những chuyện mình không thể quyết định được, cảm giác đó khác gì bên trong mặt nạ của một chú hề cứ cười toe toét, khác gì với với một con matryoshka nhỏ bé dấu mình trong 5-6 lớp vỏ khác đẹp đẽ hơn bên ngoài đâu?

3.Cha của Ruby là người Do Thái, sùng đạo. Nhưng nguyên tắc duy nhất của Do Thái giáo mà ông muốn nhắc Ruby nhớ hàng ngày là nguyên tắc về sự sống. “Sự sống là quý nhất, khi nào có thể hãy chọn sự sống.” Những nguyên tắc còn lại đều không có nhiều giá trị. Bởi vì, làm sao mà anh đi qua trại tập trung của Phát xít Đức, làm sao mà anh có thể mất hết gia đình, stress tới mức mất luôn cả ký ức về những chuyện đó khi mới còn nhỏ, làm sao anh trải qua hết những điều này mà còn tin vào một ai đó tuốt luốt ở trên cao?

[quote cite=”Chữa lành”]Nhưng ngay tháng Tám đó, cha cô mất, và từ đó về sau, cô tự nhủ mình, giữa cô và Chúa coi như hết. Như một lời thề với cha mình, người mà Chúa đã bỏ rơi; cô sẽ không còn tin vào Chúa nữa. Sẽ không cho Chúa một kính nể nào, sẽ không thèm buồn giận vì Chúa đã vắng mặt, hay tủi thân rằng Ngài đã làm ngơ trước những nguyện cầu của cô, những nguyện cầu của hết thảy; thay vào đó cô sẽ tin rằng Người không hiện hữu, rằng những nguyện cầu là vô ích và mù quáng, như đâm đầu vào đá. Cô hình dung những nguyện cầu, cuộn thành xoáy trôn ốc thiệt to, bay lên mây và biến mất, và vỡ vụn, và hao mòn, và rã đám, như phi cơ gặp nạn, văng miếng trên không trung, cánh rơi lả tả. Không có ai đón nhận những nguyện cầu, chưa từng có ai như vậy. Cô đã lựa chọn sự sống những nó vẫn bị tước đoạt. Cô đi vào mùa tử biệt của cha mình với trái tim thép vì nỗi oán hận, hận mình đã bị bỏ qua và bỏ rơi.

Đây cũng là tâm trạng của cô khi Nathan lâm bệnh vào tháng Tư; nếu như sau cái chết của cha, quan hệ giữa cô và Chúa coi như hết, thì tới phiên Nathan, tình cảm của cô với Ngài thiệt là trống rỗng và rối bời đến mức không chạm vào được. Những lời nguyện cầu hay những bài thánh ca trở nên phi lý, mất hết liên lạc với những điều gì còn có ý nghĩa.[/quote]

4.Mở đầu của cuốn sách “Chữa lành” là cảnh Ruby thẳng tay đẩy anh của mình ngã xuống một tảng đá. Máu me be bét trên đầu. Trước mặt mẹ của mình. Đương nhiên, đó là một mở đầu tốt để cuốn người đọc đi tới câu hỏi tại sao lại như thế, chữa lành cái gì và chữa lành như thế nào. Đoạn kết của cuốn sách quay trở lại với phân cảnh này và mô tả rõ hơn.

Đó là người anh cuối cùng, người anh bình thường của Ruby.

Ruby đã đẩy ngã anh ấy, đập đầu vào đá, khi mà gia đình chỉ còn mẹ, người anh này và Ruby là tỉnh táo.

Ruby cảm thấy có lỗi, nhưng thực sự cô cảm giác mình làm đúng. Vì cuối cùng cô đã dám làm điều mình muốn.

Don't let the sun go down on me

5.Ẩn dụ về matryoshka lại quay lại. Một cô bé lớn lên trong mớ bòng bong mình không kiểm soát được. Một cô bé luôn thu mình vào trong vỏ ốc, thu mình vào phía sau nhiều lớp vỏ. Một cô bé cứ đi song song với những gì diễn ra với cuộc đời của mình. Một cô bé KHÔNG chọn SỰ SỐNG một cách thực sự mà chọn cách đi song song với nó cuối cùng đã thực sự làm điều mình muốn. Thực sự nói với mẹ và anh rằng cô thấy không ổn. Thực sự muốn đẩy anh trai của mình ra một cách dứt khoát để tỏ thái độ (và đương nhiên không ai muốn đẩy anh mình tới mức đập đầu vào đá cả). Chữa lành, có nghĩa là thực sự chọn sự sống của riêng mình, không sống mà bấu víu vào một ai cả.

Cái kết dài có một trang, rất bình thường. Anh trai duy nhất còn tỉnh táo không làm sao, chỉ chấn thương nhẹ. Cô cởi bỏ quần áo vướng víu trong người, bước xuống hồ nước để cảm nhận sự sống của mình một cách thực sự hơn. Cởi bỏ mọi lớp vỏ của con matryoshka để cảm nhận được sự sống len vào cơ thể.

“Chữa lành” không chắc là một cuốn sách bạn nên đọc. Nó không quá hấp dẫn như phần mở đầu. Nhưng mà nó như cái lạnh của Hà Nội, cứ len dần vào, bám chặt vào trong con người ta lúc nào không hay. Và nó chẳng giúp được bạn chữa lành điều gì cả. Vì cuộc sống của bạn là của bạn, là do bạn chọn mà thôi.