Lặt vặt đầu tuần

Black house

1.Có hai lần cả phố phường lẫn bảo vệ chung cư đều nhìn ngó mình rất ngạc nhiên khi mình đang tung tăng đi bộ. Lần đầu là tung tăng vác cái chổi to bự về nhà. Lần sau là tung tăng vác một cái bảng đen + 1 bông hoa về nhà. Lý do là sao vậy? Có phải do áo xám + quần màu xanh Anny quá đẹp không vậy, lolz!

2.Tuần rồi đầy ắp những sự kiện bất ngờ dễ thương. Đầu tuần thì là em Flappy Bird. Cuối tuần thì là nhạc Jazz. Chả là do giờ chỗ ở quá trung tâm nên họa hoằn lắm mới cần vác xe đạp ra để đi. Thế rồi bụng lại bắt đầu bự ra vì không vận động. Chủ nhật phải làm cuốc đạp xe qua hai cái cầu sang quận 7 cho bớt mỡ bụng. Lơ ngơ thế nào lại đúng vào lúc bác Trần Mạnh Tuấn + con gái (An Phúc – chưa tới 10 tuổi) + Saigon Bigband biểu diễn Jazz miễn phí ở Crescent Mall.

Nói nhảm về lịch sử nhạc Jazz thì một điều dễ nhận thấy nhất là độ lớn của band nhạc Jazz phụ thuộc vào kinh tế nước Mỹ. Thời 1900-1920, New Orleans là thành phố cảng đóng vai trò trung tâm kinh tế phía Nam của nước Mỹ. Thành phố này bản thân có lịch sử khá đa dạng, 50 năm là của người Pháp, 40 năm sau là của người Tây Ban Nha, sau đó trả lại cho người Pháp và bán lại cho nước Mỹ. Thời điểm kinh tế phát triển + khu lầu xanh Storyville phát triển theo khiến ban nhạc Jazz bắt đầu phình to (thêm clarinet, trombone, banjo, tuba …). Bạn có thể xem lại phim The Princess and the Frog của Walt Disney để nghe những âm thanh tươi sáng của New Orleans Jazz (click vào đây nếu không muốn search)

Sau thế chiến + sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 (Great Depression) làm cho kích thước của ban nhạc Jazz co lại. Tới thời 1930, thu nhập của người dân bị giảm xuống một cách trầm trọng. Lúc đó, người ta tính toán rằng nếu biểu diễn ở các câu lạc bộ lớn (thay vì ở các phòng trà hay lầu xanh – private) thì lãi trên đầu người có thể giảm nhưng bù lại do số lượng lớn (volume lớn) nên tổng lãi lại tăng lên. Mô hình này bắt đầu được nhân rộng và ban nhạc lại phình to trở lại. Một ban nhạc Big Band Swing thời đó có thể lên tới 30 người. Đây cũng là thời điểm mà công nghệ can thiệp vào âm nhạc khá rõ ràng : công nghệ thu âm chỉ thu được tối đa 2 phút rưỡi tới 3 phút một lần nên bản nhạc cũng được cắt ngắn đi để phù hợp với khoảng thời gian này.

[youtube_advanced url=”http://www.youtube.com/watch?v=WGq-eCoPSwA”]

3.Ở Hà Nội bác Quyền Văn Minh cũng có Big Band chơi khá hay. Trong SG bình thường ở Jazz Club bác Trần Mạnh Tuấn chơi nhạc Jazz bình dân hơn (nhưng không có nghĩa là hai bác hơn kém nhau gì cả, chỉ là chơi để phục vụ dân chúng thì mỗi bác chọn một cách khác nhau còn khi biểu diễn thực sự bác nào cũng hay). Bác Quyền Văn Minh thì có Quyền Thiện Đắc là lứa sau, bác Trần Mạnh Tuấn thì có bé Trần An Phúc, cứ thế này thì tương lai nhạc Jazz Việt Nam chắc sẽ không bị lụi tàn <3

Đợt này sửa nhà đi qua lại mấy cái mall khá nhiều, thấy nhiều shop đã phải nghỉ do kinh tế suy thoái. Sau Tết hàng mới thì ít, hàng cũ bán chưa hết lại bán giảm giá tiếp. Thôi thì các bác cứ chơi Big Band, vừa mang lại kinh tế tốt cho nhiều nhạc công một lúc, vừa có cơ hội mang lại nhạc Jazz cho đại trà quần chúng cũng mừng. Lần sau nhất quyết rình xem có biểu diễn Jazz miễn phí lại đi xem, đỡ tốn tiền vào Jazz Club uống nước ^__^