Quyền lực của nhà quản lý

Buddha Cool

Nói về sách thì hàng ngàn, hàng triệu cuốn sách với đa dạng các thể loại trên thị trường. Nhưng có thể nói, hai cuốn sách tôi tâm đắc nhất đó là cuốn “Nhà quản lý thoáng” của Steve Chandler/ Duane Black và cuốn “Quyền lực đích thực” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đọc hai cuốn sách này ở hai thời điểm khác nhau rất nhiều nhưng điều làm tôi cảm nhận được là một lần nữa, tri thức lại chứng tỏ cho ta thấy không có sự khác biệt quá lớn về suy nghĩ giữa châu Âu và châu Á nếu đi vào tận cùng của vấn đề (điều này bạn có thể thấy được qua các cuốn sách như “Đạo của vật lý” hay “Einstein và Đức Phật”)

Cuốn “Nhà quản lý thoáng” (NQLT) bắt đầu bằng một câu nói của Peter Drucker :

Quá nhiều thứ trong cái-gọi-là-quản-lý là nhằm gây khó khăn cho công việc của người khác.

Lời bạt của cuốn “Quyền lực đích thực” (QLDT) nói rằng :

Nhìn sâu, ta thấy rằng vẫn có cách tham dự vào thế giới kinh doanh đồng thời đem lại hạnh phúc cho ta và những người khác. Công việc của ta có ý nghĩa khi nó đem lại lợi lạc cho nhân loại và môi trường. Cũng là kiếm tiền nhưng kiếm tiền một cách có ý nghĩa, bởi vì nó đem lại an vui cho thế giới.

Sẽ không hay nếu tôi tiếp tục tóm tắt những điều mà hai cuốn sách này nói. Thay vì đó, với 10 câu trích dẫn dưới đây của hai cuốn sách tôi hy vọng rằng sẽ thuyết phục được các bạn cảm thấy rằng hai cuốn sách này là hai cuốn sách nên đọc. Nên đọc cả hai vì nó tuy hai mà là một (còn nếu có quyển nữa giống như thế để thành dầu gội 3 trong 1 thì tôi sẽ giới thiệu với các bạn sau). Trên hết, đọc xong hãy áp dụng nó vào công việc của mình.

——————

“Khi ta bực tức một nhân viên của mình nghĩa là ta đã giao uy quyền của mình vào tay người đó. Ta giao uy quyền cho hết thảy những ai làm ta bực, bởi lẽ, ta đã để người đó chi phối ý nghĩ của mình.” – NQLT

“Ta làm việc để giảm thiểu đau khổ, đem lại lợi ích cho mình và cho người, hay ta làm việc để chồng chất khổ đau, căng thẳng?” – QLDT

“Người ta phần lớn không thành công, bởi lẽ định nghĩa thành công của họ luôn ít nhiều bao gồm cả việc thay đổi thế giới bên ngoài, mà thế giới bên ngoài thì khó mà ra tay thay đổi được.” – NQLT

“Nếu không có khả năng trở về với giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, thì không thể nào nhận diện được chính mình, nhận diện được hạnh phúc cũng như khổ đau của mình. Không có khả năng có mặt đích thực thì không thể nhìn rõ những người khác và sẽ khiến họ có cảm giác bị bỏ quên, bị hiểu lầm hay ghét bỏ. Rồi họ sẽ đau khổ và từ đó làm bạn đau khổ.” – QLDT

“Trong mỗi con người, kể cả những kẻ có vẻ bạt mạng nhất cũng có một mong muốn cố hữu là lấy lại cân bằng.” – NQLT

“Có người “làm” rất nhiều, và cũng gây nên nhiều rắc rối. Mặc dầu họ có thiện chí, nhưng càng cố gắng giúp, họ càng gây thêm rắc rối. Có rất nhiều người dấn thân tranh đấu cho hòa bình, nhưng bản thân họ không có bình an, hạnh phúc, và vì thế những gì họ làm càng gây thêm khó khăn” – QLDT

Có những nhà quản lý sẽ “… nhìn vào danh mục những việc phải làm mà tá hỏa. Họ hoảng quá mà chùn bước. Thế là họ sẽ làm ngay một điều gì đó. Một việc mà thậm chí không có trong danh mục nữa! Vậy là không còn nỗi sợ là mình không bận rộn.” – NQLT

“Lòng tự ái và ý thức trách nhiệm đánh lạc hướng chúng ta. Không nên tự đánh lừa. Ta phải thành thực và thực tập sâu sắc để khám phá bản chất của những ước muốn và động lực trong ta. Cần phân biệt giữa thỏa mãn ham thích và hạnh phúc chân thực. Điều này rất quan trọng.” – QLDT

“Công việc thực sự của người lãnh đạo là kéo người ta trở lại là chính họ” – NQLT

“Nếu chỉ để ý đến những khuyết điểm của người khác thì ta không thấy được những ưu điểm của họ, trong khi người nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Nếu không có khả năng nhìn ra những phẩm chất tốt đẹp mà chỉ thấy lỗi lầm của người kia thì ta phải xét lại, tri giác ta có thể sai lầm. Khi có tri giác sai lầm về người khác tức là ta có tri giác sai lầm về chính mình, ta không thấy được ưu điểm, khuyết điểm của chính mình” – QLDT

Ngày nay, đa phần các nhà quản lý đều không có quá nhiều nhân viên trực tiếp (trừ các cơ quan nhà nước). Điều này đồng nghĩa với việc mỗi một người (bao gồm cả nhà quản lý) phải thực hiện nhiều công việc hơn, trách nhiệm nặng nề hơn. Quay lại câu nói bắt đầu của Peter Drucker, tại sao việc làm của người ta (cộng sự, nhân viên của mình) đã nặng nề hơn rồi, mình lại còn áp đặt những quy định quản lý khắt khe để làm người ta khổ hơn nữa?

Các bạn có thể bảo tôi rằng, chúng ta thiếu chuyên nghiệp, người Việt Nam thế này, thế kia. Nhưng có lẽ trước hết trong trường hợp của tôi, tôi sẽ phải tự hỏi lại mình: “Bản thân tôi có thiếu chuyên nghiệp hay không, tôi có thế này thế kia hay không, tôi đã đủ thoáng, đủ hiểu cộng sự của mình để giúp đỡ người ta một cách tốt nhất hay chưa?”

Chưa!

//bài viết từ lâu lắm rồi, móc lại để viết thêm một đoạn ở dưới.

Một trong những điều hạnh phúc nhất của mình khi làm việc là được làm với những người giỏi hơn mình (về mặt chuyên môn và nhiều mặt khác). Đương nhiên, họ quái quỉ trong công việc thì cách xử sự của họ cũng sẽ đôi chút quái quỉ. Thế nhưng, nếu thực sự đặt câu hỏi “Làm sao để làm tốt nhất cho công việc?”, mình sẽ bỏ qua được cái tôi nhỏ nhặt và sống hạnh phúc với những người này. Và quyền lực của nhà quản lý (nếu có), sẽ là quyền được hạnh phúc để nghĩ về KPI, quyền được hạnh phúc vì niềm tin rằng mình đã được những người giỏi nhất hỗ trợ mình. Nhất quyết, đó không phải quyền lực để quản lý những con người này một cách quá chi tiết. Mình tin là vậy!

(pix courtesy of tojosan – Under Creative Commons License)