Miễn là ai đó còn gọi tên mình

  1. Tui còn nhớ như in cảm giác lần đầu cầu hôn. Người ta đã nói “Không!” vào ngày hôm đó. Thằng con trai 22 tuổi sau đó đã viết vào một trang của cuộc đời rằng không phải cứ môi hôn ngất ngây ân ái mê say là có thể cưới nhau được. Rốt cuộc cũng quên được người ta, nhưng những gì đã viết ra thì luôn mở ra để đọc lại mỗi ngày. Trận địa cầu hôn hôm ấy, càng nghĩ càng thấy buồn cười. Đọng lại tới giờ chỉ là cảm giác à, mình đã dàn dựng quá tốt, và sự lo lắng lúc ấy là lo cái sự kiện mà mình đã tổ chức công phu sẽ bị trục trặc chứ chưa hề lo nghĩ rằng người ta sẽ lắc đầu. Khi còn trẻ, ta khoáy bày trò, đâu có biết rằng chuyện để kể của một cái đám cưới đâu chỉ có một màn cầu hôn hoành tráng.
  2. Quen vợ sau chỉ vài tháng sau khi B mất, một sự khởi đầu làm vợ thật sự nghi ngờ. Cũng phải, bất cứ ai quen tui và biết chuyện tui đã có bạn gái chỉ sau có chừng ấy thời gian cũng đều đã nổi giận lôi đình. Thôi thì cứ coi như là cái bản chất của Thiên Bình là luôn luôn phải tìm sự cân bằng mà! (thể theo những gì mà đại bói sư JK đã nói). Đôi khi tui cũng thấy tui ích kỷ, khi đã vội vàng xếp những hình ảnh dấu yêu của người đã mất vào một ngăn nào đó trong quá khứ, để lao vào yêu thương vợ một cách… nhẫn tâm. Vợ vẫn luôn cứ nhiếc móc vì hồi đó đã thậm chí không hề cầu hôn, vừa mới gặp đã tuyên chiến rằng anh sẽ cưới em, em có ngon thì cứ chối từ đi. Tự bào chữa với vợ rằng ờ thì mặc dù như thế, nhưng cho tới giờ, hai đứa đã sống với nhau 5 năm, đã có một mặt con *ấy vậy mà* mỗi ngày chẳng phải chúng ta vẫn sống lấy sống để như chúng mình chỉ mới cưới hôm qua đó sao?
  3. Có những trang của cuộc đời ta viết để đọc lại. Có những ngăn trong quá khứ ta lục lọi để tìm kiếm những hình ảnh đã từng rất dấu yêu. Có những người ta chỉ việc đến và cướp đi sự tự do của họ, để rồi ta có nghĩa vụ phải làm cho họ hạnh phúc mỗi ngày. Cầu hôn hay không cầu hôn, đám cưới hay không đám cưới, thờ phụng tình cũ hay vội tìm tình mới… tất cả đều chỉ là những câu chuyện hay để kể, chỉ là những tội lỗi để các toà án lương tâm đạo đức sáng ngời có cơ hội mở phiên xét xử mà thôi. Bản thân chúng ta, suy cho cùng, đâu có sống để trở thành một phần của một câu chuyện hay ho nào đó, cũng đâu có cần phải để thoát khỏi cảm giác tội lỗi khi có người phán xét thì mới hạnh phúc hơn. Chúng ta sống là vì chúng ta cần hạnh phúc. Mà hạnh phúc nghĩa là được cảm thấy niềm hạnh phúc của ai đó khi họ gọi tên mình. Còn hạnh phúc hơn thế nghĩa là cái ai đó đó cũng cảm thấy hạnh phúc khi mình gọi tên của họ. Viết tới đây tui bỗng cười cười. Và chắc chắn là vợ lúc đọc tới đây cũng sẽ cười cười. Hạnh phúc đơn giản quá hơ!