Về những cuốn sách tôi đã đọc

Những cuốn sách đọc từ năm ngoái tới năm nay, tức từ 2015 đến 7.2016 😀

aaa

1. Gỗ Mun – Ryszard Kapuściński, Nguyễn Thái Linh dịch.

Một cuốn sách tuyệt vời về linh hồn của châu Phi, một linh hồn xuất hiện dưới lốt voi – con vật vĩ đại với ánh mắt lạnh và sắc cùng một nỗi buồn sâu thẳm mà không loài vật nào có thể chiến thắng được nó.

2. Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh – Nguyễn Nhật Ánh.

Đọc lại sau lần đọc đầu cách đây 3 năm. Rốt cuộc thì chúng ta đa phần đều giống thằng Thiều (hoặc ít nhất là có mình giống hehe), tốt bụng có, thông minh có, ngu ngu có, thực tế có, ích kỷ có, lại còn hèn nhát nữa 🙂 nhưng trên tất cả thì dù thằng Tường có hiền lành mạnh mẽ thích đọc sách với thỉnh thoảng thiên tài cỡ nào, khoan dung độ lượng thế nào với cả lạc quan hung dữ thế nào thì mình cũng không muốn làm một người như thế đâu. Dù là một đứa trẻ hay đã trưởng thành thì mình vẫn thích là một người không có hoa tay nhưng vẽ đẹp, hơn là có chục hoa tay mà vẫn… vẽ đẹp kaka.

3. Mùa Tôm – Thakazhi Sivasankara Pillai, Hoàng Cường dịch.

Mùa Tôm, cái tên chẳng hiểu sao lại làm mình liên tưởng đến một làng chài ven biển Việt Nam, nơi có những ngư dân hiền lành chất phác ngày đêm lam lũ vật lộn với biển cả để mang về những mẻ cá, mẻ tôm đặng có cái ăn, cái mặc. Tuy nhiên, làng chài xuất hiện trong Mùa Tôm lại không phải ở Việt Nam, mà là một làng chài phương Nam Ấn Độ, gần làng Thakazhi của tác giả. Đối với mình mà nói, tác phẩm văn học từng đoạt giải thưởng của Viện Hàn lâm Ấn Độ vào năm 1957 và được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới như Mùa Tôm quả thật không phải là yếu tố quan trọng để mình lựa chọn đọc nó, bởi thứ mình quan tâm đến cuối cùng rốt cuộc cũng chỉ là câu chuyện tình yêu được nhắc đến trong tác phẩm mà thôi. Bi kịch dù buồn đến thế nào đi chăng nữa thì vốn dĩ nó vẫn là một cái gì đó rất quyến rũ, nhất là khi đó là bi kịch tình yêu. Sống trên đời mà chỉ toàn hài kịch thì cười cũng chẳng thấy vui. Hehehe.

Tuy nhiên, thật sự thì chuyện cũng chẳng đặc sắc lắm với mình.

4. Lịch Sử Tình Yêu – Nicole Krauss, Trần Quý Dương dịch.

Hạnh phúc là một cuộc hành trình chứ không phải đích đến. Ấy thế nhưng, mọi thứ cứ thích đến khi ta chưa chuẩn bị sẵn sàng… Và “có những tổn thương không nhất thiết phải được chịu đựng bởi trái tim, mà đôi khi có thể hướng nó sang bộ phận khác, như ruột, hai lá phổi, hoặc gan chẳng hạn.”

5. Người Không Quê Hương – Kurt Vonnegut, Nguyễn Khánh Toàn dịch.

Một điều thú vị là vừa đọc xong cuốn 451 độ F và chuyển sang đọc Người không quê hương thì thấy rằng trong đó Kurt Vonnegut cũng nhắc đến 451 độ F, đặc biệt hơn là trong cả hai cuốn sách (cả 451 độ F lẫn Người không quê hương) đều trích dẫn câu này của William Shakespeare:

Quỷ Satăng cũng có thể viện dẫn Kinh Thánh vì mục đích của hắn.

6. Khởi Sinh Của Cô Độc – Paul Auster, Phương Huyên dịch.

Đọc phần 1 – Chân dung một người vô hình thì cảm giác cứ như đi tàu hỏa mà tàu này không dừng ở bất kỳ ga nào. Rất thấm. Vậy nhưng khi sang phần 2 – Sách của ký ức, thì không hiểu sao tàu bị trật đường ray, lật hẳn. May mà chưa chết, chỉ dừng lại một chút để chờ cứu viện hehe. Và rồi khi bắt tay vào đọc phần 2 thật, thì cảm giác vẫn cứ chỉ thích phần 1. Còn phần 2 thì với mình cũng được nhưng không thu hút lắm. Chỉ là không muốn lại phải khởi sự quay trở lại với Sách của ký ức ngay từ đầu nên cứ đọc đọc như nước chảy mây trôi, dù vậy cũng rất thích 1 chi tiết, đó là ông S. “Không bao giờ hỏi xin ai bất cứ điều gì, mà chỉ chờ đợi thế giới đến với mình“. Nó làm mình nhớ đến Marco Stanley Fogg trong Moon Palace, lúc đói meo râu ngồi trong công viên nhưng cũng không hỏi xin ai vậy mà rồi thức ăn cũng tự đến với mình hehe.

7. Cánh Cửa – Magda Szabó, Giáp Văn Chung dịch.

Cuốn sách này, cùng với cuốn Cuộc sống ở trước mặt, vì nó khiến mình càng thêm sợ hãi cái chết, nên mặc dù rất yêu thích, cũng sẽ sẵn sàng “chôn” vào Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên. Mỗi năm một lần, hoặc có thể không có lần nào, mình sẽ lại đến nghĩa trang viếng thăm cùng với một quả chuối.

8. Quốc gia khởi nghiệp: Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel – Dan Senor, Saul Singer, Trí Vương dịch.

Đọc cho biết thôi chứ chả áp dụng gì mấy cho bản thân 🙂 Sách khổ nhỏ, 10x15cm, nhờ xếp hàng hôm Hội Sách ngày Chủ Nhật 19.4.2015 trên đường Nguyễn Văn Bình mà có. 😀

9. Lũ Trẻ Đường Tàu – E. Nesbit, Nguyên Tâm dịch.

Điều cảm nhận đầu tiên đó là Sách rất Đẹp và cả câu chuyện trong Sách cũng rất đẹp. Đẹp nhất là những cái tên, như con tàu “Rồng Xanh” (còn có tên gọi khác là Ốc Sên), con tàu “Giun của Wantley” và con tàu “Nỗi Sợ Hãi Bay Trong Đêm”, ngôi Biệt Thự Đỏ hay ngôi nhà trắng Ba Ống Khói…

Điều thứ hai và cũng là hết điều rồi, là những câu chuyện đẹp và những cuộc trò chuyện thú vị luôn làm thời gian trôi qua rất nhanh.

Cái không thích duy nhất ở cuốn sách này là kết cục, E. Nesbit đã không cho mình vào ngôi nhà trắng của sáu người bọn họ xem chuyện hạnh phúc gì đang diễn ra trong đó :))

10. Xấu – Natsuo Kirino, Quỳnh Lê dịch.

Tác phẩm hư cấu của hư cấu, đọc mà chả tin thím nào nói thật. May còn có mấy cây bonsai của ông ngoại làm nguồn cảm hứng. “Cảm hứng chính là khi ta bắt đầu cảm thấy sự nhiệm màu“, ông ngoại đã nói như vậy và sự nhiệm màu ở đây là mình đã đọc xong Xấu mà không cả ăn tối. Chắc muốn gầy trơ xương như Kazue hehehe.

11. Nghĩa Địa Praha – Umberto Eco, Lê Thúy Hiền dịch.

Cuốn sách này đích xác là được Eco viết ra theo kiểu khiến người đọc không đọc nó liền tù tì một lúc, mà sẽ từ từ thưởng thức “sự khiếp đảm” hết lần này đến lần khác, để rồi khi nhận ra cái gọi là “mục đích biện minh cho phương tiện“, họ sẽ chẳng còn nhớ tới cái điều đã khiến họ hoảng sợ trước đó. Theo kiểu trong chính trị, “chỉ có sức mạnh là kẻ chiến thắng, vũ lực phải trở thành nguyên tắc, mưu mẹo và giả dối phải trở thành luật lệ. Cái xấu là con đường duy nhất dẫn tới cái tốt.” 😀 Với cả, trong số những kẻ vô lại, cũng có loại khá hơn một tí. Hehehe.

12. Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông – Kazuo Ishiguro, An Lý dịch.

Có những bậc thầy về âm nhạc nhưng chưa lột xác nên phải làm “Người hát tình ca”, đóng vai “ngài Góc Nhìn Mới”, chẳng biết rồi “Mưa hay nắng sẽ đến”, chỉ biết leo lên “Khu đồi Malvern” mơ mộng sáng tác rồi mơ tưởng về những giải thưởng đúng ra phải dành cho mình, như những bản “Dạ Khúc” mà chỉ có những “nghệ sĩ cello” thiên tài mới đủ khả năng chơi và thẩm định.

Nói chung kiêu ngạo nên rết cho nó 3* hehehe.

Cuốn sách khiến mình liên tưởng ngay đến bộ phim Hàn Quốc C’est Si Bon, đồng thời cũng khiến mình ngay lập tức mở bài Delliah của Tom Jones ra nghe mà chả biết vì sao hihihi.

13. Dù Con Sống Thế Nào Mẹ Cũng Luôn Ủng Hộ – Gong Ji-young, Tae Woo dịch.

Dù Mẹ ủng hộ thế nào, đọc xong tôi cũng không biết rốt cuộc thì bao giờ Mẹ mới đi bơi.

14. Tội Ác Và Hình Phạt – Fyodor Dostoyevsky, Cao Xuân Hạo – Cao Xuân Phổ dịch.

Nếu ví Tội Ác và Hình Phạt như người yêu thì có lẽ đây chính là người yêu mà khi chia tay rồi sẽ rất khó để yêu được người khác. Tất nhiên, là khó chứ không phải không có. Nhưng rồi thì thể nào cũng rơi vào trường hợp tình cũ không rủ cũng tới. Thế quái nào mà trong vô số những cuộc đối đáp như đấm vào não nhau nhưng khó lòng hiểu nhau của các thành phần dường-như-cả-đời-không-có-ai-nói-chuyện-cùng-bất-chợt-túm-được-người-vừa-khéo-là-kẻ-đó lại có thể xảy ra tình huống dễ thương là chỉ cần nhìn thẳng vào mắt nhau xẹt xẹt đã có thể hiểu hết mọi việc đã và đang xảy ra như giữa Raskolnikov và Razumikhin? Mình yêu mối quan hệ của hai người này 🙂

15. Ngôi Nhà Vui Vẻ – Gong Ji-young, Hải Dương – Thùy Dương – Thùy Linh dịch.

Chúng ta không thể lựa chọn được nơi mình sinh ra nhưng hoàn toàn có thể lựa chọn ở tại ngôi nhà mà chúng ta thấy hạnh phúc. 😀

16. Dưới Cái Nhìn Của Anh Hề – Heinrich Böll, Hoài Liên dịch.

Không 1 ai trên đời này có thể hiểu được một diễn viên hài, ngay cả 1 diễn viên hài khác cũng vậy.

Thế có nghĩa Mr Bean không thể hiểu được Charlie Chaplin cũng như… Hoài Linh không thể hiểu được Chí Tài :3 Cơ mà thực ra thi có ai hiểu nổi ai đâu, toàn là tự hiểu theo cách của mình không đấy chứ hehe.

Cái gì tồn tại cứ tồn tại, cái gì bay lượn cứ bay lượn

=> loại thành ngữ với tác dụng duy nhất: gieo rắc sự kinh hoàng 😀

17. Sống Để Kể Lại – Gabriel Garcí­a Márquez, Lê Xuân Quỳnh dịch.

[Funny]

She: You know William Faulkner?
He: No, who’s he? Someone you slept with?

Hahaha.

William Faulkner is one of Garcia Marquez’s best “friends” during the home-selling journey of Marquez and his mother.

Không dễ gì khi đọc tự truyện của ai đó mà có thể thấy thích, cũng giống như phai khó khăn lắm bà ngoại của Marquez mới có thể tha thứ cho ông ngoại (cũng cua Marquez) trong việc ông có quá nhiều con rơi con rớt, để mà ghi tên tất cả chúng vào gia phả của gia đình, hehe.

18. Cuốn Sổ Trắng – Quốc Bảo.

Lúc đọc cuốn này, mình đang xem một bộ phim Hàn Quốc, nội dung nói về một kẻ giết người trước khi giết một ai đó sẽ cho người đó thời gian là 6 ngày để viết lại toàn bộ cuộc đời mình vào một cuốn sổ trắng, sang ngày thứ 7 sẽ bị giết chết và bị khắc lên cổ tay một mã vạch, mã vạch này cũng chính là mã vạch dùng để in lên bìa sau cuốn sách. Mục đích việc làm này của tên sát nhân là muốn sưu tập cuộc đời của người khác để áp dụng cho mình, tức là sống cuộc sống giống như người đã chết đã từng sống.

Đọc Cuốn Sổ Trắng chả hiểu sao lại nghĩ ngay đến bộ phim đó :-s Nhất là khi đọc đến đoạn:

Bạn có thể sưu tập tất cả những thứ bạn muốn: từ nước hoa đến giày, từ đồ da đến đồ ngủ, từ máy ảnh đến đồng hồ, từ bút đến kính, và bật lửa, và máy ảnh, và tiền xưa, và tem cũ. Nhưng có một thứ, tôi biết đến muộn nhất và (vì thế) sẽ không ngừng sưu tập cho đến khi tắt nghỉ, đó là những khoảnh khắc sống. (Trích “Những khoảnh khắc”)

Có cảm giác, tên sát nhân kia mà có đọc cuốn sách này chắc thích lắm :))

19. Người Đọc – Bernhard Schlink, Lê Quang dịch.

Yêu là sẵn sàng bỏ ra 40 đến 50 tiếng đồng hồ để đọc “Chiến tranh và Hoà bình” cho người mình yêu nghe, để cùng nhau bước vào một chuyến viễn du, với tất cả giải trình của Tolstoi về lịch sử, vĩ nhân, nước Nga, tình yêu và hôn nhân… =P~ Nhưng thực ra là bởi còn có việc gì khác để làm nữa đâu, ngoài… làm tình? Hehehe.

Đọc xong cuốn này thì chả biết nên lên án hay nên thấu hiểu? Ôi triết học đã vĩnh viễn bỏ trẻ con mà đi ;(

20. Thăm Dò Tiềm Thức – Carl Jung, Vũ Đình Lưu dịch.

Quả thực là mình không thể nào tìm ra sợi dây liên kết giữa bản thân với những chủ đề như thế này!

21. Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối – Eno Raud, Thu Hằng dịch.

Nói chung là hay. Những đứa trẻ “tuổi nhỏ tài cao”, chẳng may sống trong thời kỳ mà người này căm thù người kia, người kia nghi ngờ người nọ, người nọ buộc tội người này, và những người bạn tốt không thể bộc bạch với nhau tất cả.

22. Lời Cỏ Cây – Márai Sándor, Nguyễn Hồng Nhung dịch.

Liều thuốc Nam cho trái tim. Mỗi lần “lên cơn” có thể lại giở ra để thổi hồn cỏ cây vào cho dễ thở, đặng cho tim còn mọc nhánh 😀

23. Nghệ Thuật Tiểu Thuyết – Milan Kundera, Nguyên Ngọc dịch.

Chẳng biết nói sao, nên thôi mượn từ của Milan Kundera vậy: Bị chói lòa (trong khi vẫn chưa thể hiểu được tất cả sự mênh mông chứa đựng trong đó). Hehe.

24. Đợi Bọn Mọi – J.M. Coetzee, Crimson Mai dịch.

Điều gì khiến thời nay chúng ta không thể sống như cá nước, chim trời, như trẻ thơ? Điều gì khiến một vị quan toà trở nên si tình một cô gái mọi đến mức xem việc rửa chân cho cô là một niềm lạc thú (thay vì làm tình)? Điều gì khiến một người đàn ông khỏe khoắn lành mạnh, mỗi sáng thức dậy với “một khối buồn bã cương cứng dựng lên như một nhánh cây ở giữa háng”, lại muốn diệt dục?…

Ham muốn hay không ham muốn, đó chính là lý do để nổi khùng! Hehehe.

Nhưng nói gì thì nói, nỗi đau chỉ là nỗi đau và không nên cố gắng biến nó thành điều huyền bí. Cho nên, hãy kể ra đi! 🙂 Chỉ có nỗi đau mới là thật, tất cả mọi thứ khác đều đáng ngờ.

25. Tâm Lý Học Đám Đông – Gustave Le Bon, Nguyễn Xuân Khánh dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính.

Có những cuốn sách hay đơn giản vì nó hay chứ chả cần lý do gì khác. Đọc lại hay không đọc lại? 4* chính là sự gợi ý!

26. Biển – John Banville, Trịnh Lữ dịch.

Một “bài văn” miêu tả thật hoàn hảo!

27. Quân Khu Nam Đồng – Bình Ca.

Quân ngã ra bình, thôi sắc tệ
Cơ huyền tưởng bưởi, binh nặng ghê :))

Cuốn sách này hay không chỉ vì bản thân nó hay mà còn vì những người quyết định đọc nó thật sự cũng hay chẳng kém :3 nếu như Quân khu Nam Đồng là một huyền thoại thì người đọc thích nó chính là vì họ cũng đã từng góp phần làm nên những huyền thoại tương tự như vậy (hoặc có tố chất nhưng không có điều kiện làm nên những huyền thoại như vậy và Quân Khu Nam Đồng chính là tấm gương để họ soi rọi và nhớ về một thời tuổi hoa niên dữ dội với những huyền thoại có khi còn hơn thế).

28. Phố Những Cửa Hiệu U Tối – Patrick Modiano, Dương Tường dịch.

Looking back at the photographs.
Those summer days spent outside corner cafes.
Oh, I could write you paragraphs,
about my old Parisienne days.

(Parisienne Walkways)

Đọc xong cuốn này chỉ muốn lôi mớ ảnh trong mấy album cũ ra ngắm 😀 Sống có ích gì khi ta không nhớ và nhớ có ích gì khi ta không sống? Ở một phương diện nào đó, đọc cuốn này khiến mình nhớ tới Nghĩa địa Praha 🙂

Kết thúc hơi hẫng, giống như đang chạy theo một người trông-rất-quen trong một con hẻm vắng, bỗng dựng người ấy biến mất hút ngay sau một khúc quanh và không bao giờ có thể gặp lại người đó nữa. Lại thành người-xa-lạ.

29. Từ Thăm Thẳm Lãng Quên – Patrick Modiano, Trần Bạch Lan dịch.

Tự hỏi, không biết sau 15 hay 20 năm nữa, có cái-gì-đó mà mình đã lãng quên quay trở lại với mình không! Và cũng tự hỏi không biết lúc nó quay trở lại thì nó sẽ ở luôn với mình hay lại chỉ hù một cái rồi lại quay đầu ra đi tiếp. Trở về với thăm thẳm quá khứ mà nó muốn thuộc về.

Hy vọng là cái gì đó đó nó đặc sắc một chút, chứ cái lãng quên trong Từ thăm thẳm lãng quên thật ra chẳng có gì hay ho, quên đi là đúng rồi. Hehehe.

30. Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối – Patrick Modiano, Trần Bạch Lan dịch.

Có những nhân vật vô cùng bí ẩn trong mắt những nhân vật khác, nhưng lại hết sức bình thường trong mắt người đọc, và cũng có những nhân vật thú vị trong mắt người đọc nhưng lại vô cùng mờ nhạt trong mắt những nhân vật khác, thậm chí còn chẳng có chút ý nghĩa gì nếu không muốn nói là không cần xuất hiện cũng được.

Có thể xem cuốn sách này như cục nam châm, nhưng là cục nam châm đặc biệt, cùng dấu thì hút nhau trái dấu thì đẩy nhau. Nói là thích thì không đúng mà không thích cũng chẳng sai. Chỉ là mình bị hút về phía nó khi đang lảng vảng xung quanh thế giới của Modiano với Phố những cửa hiệu u tối và Từ thăm thẳm lãng quên. Cơ mà thỉnh thoảng đọc không vì cần phải khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời mà chỉ đọc vì bị thu hút bởi âm thanh các từ và nhạc tính các câu cũng đủ rồi nhể? 🙂

31. Tuyết Trên Ngọn Kilimanjaro Và Những Truyện Ngắn Khác – Ernest Hemingway, Nguyễn Huy Tưởng – Phạm Viêm Phương dịch.

Những “con báo” cô đơn, cô độc, đau đớn, tổn thương, tràn đầy ảo tưởng, khốn khổ khốn nạn nhưng đầy kiêu hãnh, sẵn sàng sống và cũng sẵn sàng chết, mặc dù trước khi chết vẫn chưa hết ảo tưởng về mình.

Đọc truyện ngắn [mà thực ra là đọc thể loại nào cũng vậy ;))] nói chung luôn có 1 cái thú, đó là… chẳng biết mình đã hiểu đủ chưa. Hiển nhiên, là sao mà đủ được. Giống như việc hai thằng sát thủ đến quán ăn lúc 5 giờ mà cứ đòi ăn những món 6 giờ mới bán thì làm sao có để mà ăn 😀

32. Thiên Thần Nổi Loạn – Anatole France, Đoàn Phú Tứ dịch.

Sách hay. Cứ cuốn nào mà hút ta đọc một mạch từ đầu đến cuối không ngừng nghỉ thì bỏ mặc tất cả mọi thứ sang một bên, đấy là một cuốn sách hay 😀

Nói chứ đọc cuốn này thấy “nhớ” Đỏ và Đen, bởi nó cứ giông giống thế nào đấy, chắc là do cùng 1 người dịch.

Nói chung, hãy cứ như anh chàng Maurice trong sách, đại loại là cứ chuyên tâm học cách lẩn tránh việc hiểu sách nói gì, để rồi chính sự lẩn tránh đó mà ta sẽ gặt hái được không thứ này thì cũng thứ kia. Cứ hiểu ít còn hơn là hiểu sai.

Thích câu này: “Các thiên sứ tốt cũng có thể sai lầm, họ phạm tội lỗi hằng ngày và từ trên trời họ rơi xuống như ruồi.”

33. Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ Tuổi – Rainer Maria Rilke, Phạm Công Thiện dịch.

Những lời an ủi giản dị và thầm lặng của một bậc vĩ nhân dành cho một thi sĩ. Để viết ra được những lời như vậy, bậc vĩ nhân ấy đã phải sống một cuộc sống không dễ dàng gì nếu không muốn nói là khá buồn và vất vả, thậm chí là tụt hậu. Bởi nếu không như vậy, ông đã chẳng tìm ra nổi những lời kia để mà viết ra như thế…

Ai cho tôi viết được như thế? 🙁

34. Đột Nhiên Có Tiếng Gõ Cửa – Etgar Keret, Lê Đình Chi dịch.

Một ngày,
Nếu đột nhiên bạn cảm thấy buồn và muốn khóc,
hãy gõ cửa nhà tôi.
Tôi không hứa sẽ làm bạn cười,
Nhưng tôi sẽ cùng bạn… gõ cửa nhà thằng khác bảo nó đọc từng câu chuyện trong này cho hai chúng ta nghe.
Có thể nó sẽ không đọc,
Thậm chí muốn cùng chúng ta gõ cửa nhà thằng khác nữa,
Nhưng chắc chắn, cuối cùng,
Chúng ta sẽ không ai còn cô đơn,
Như người đàn ông Nga không còn thấy cô đơn khi gặp được con cá vàng,
Như người đàn bà trong một giấc mơ,
Như tất cả chúng ta đều là con người…

35. Nắng Tháng Tám – William Faulkner, Quế Sơn dịch.

Lena Grove, người phụ nữ mỏng manh yếu đuối nhưng sở hữu một niềm tin vô cùng mãnh liệt, một mục tiêu vô cùng rõ ràng.

Joe Christmas, một người không rõ sắc chủng (nửa trắng nửa đen), một người sinh ra đã là vật tế thần, cả đời chỉ có một ước muốn duy nhất, là sự bình yên.

Gail Hightower, một mục sư sống tách biệt hoàn toàn với xã hội đương thời mặc dù đã từng trải qua một thời tuổi trẻ đầy sôi nổi và nhiệt huyết.

Byron Bunch, một anh thợ bào bị tình yêu bỏ quên, nhưng vẫn tôn thờ tình yêu, và có cơ hội được tìm thấy tình yêu một lần nữa với Lena Grove, để rồi vụt tỏa sáng.

Một người đã yêu, nhưng lại không biết mình yêu;

Một người bị phản bội, nhưng lại không biết mình bị phản bội;

Một người luôn muốn sự thanh thản trong tâm hồn, nhưng không biết cách làm thế nào để không thu mình lại.

Họ, những tâm hồn cô độc đã gặp được nhau, như chính số phận buộc họ phải gặp nhau. Mỗi người đều có một mục đích sống riêng của mình, dù đó là gì đi nữa. Mục đích sống giúp họ tiến về phía trước, giúp họ hình thành thói quen, cũng như củng cố niềm tin. Niềm tin để tiếp tục sống, như “cái nắng tháng tám”, như “ánh sáng tháng tám lung linh”, như “nền trời tháng tám đầy sao”, một vầng hào quang rực rỡ.

36. Mở Rộng Phạm Vi Đấu Tranh – Michel Houellebecq, Thuận dịch.

Một cuộc phiêu lưu thú vị, với một giọng văn thú vị, nhưng chẳng thấy ý nghĩa gì, chỉ đơn giản là “có một cuốn tiểu thuyết để đọc, và đọc hết nó”, vậy thôi.

37. Bão – Jean-Marie G. Le Clézio, Ngô Thị Bằng Nguyên, Trần Thị Khánh Vân, Ngô Diệu Châu, Đoàn Thị Thảo, Ngô Hữu Long dịch.

Đọc xong cuốn này thì phát hiện ngoài trời đang lác đác vài hạt mưa. Bỗng dưng ước giá mà bão nổi lên thật (ước điêu đó hehe), kèm theo đó là một trận mưa rào chẳng hạn. Chứ vài hạt mưa kia thì có bõ bèn gì, đất thì cứ khét lẹt mà cái chảo “sàn nhà” vẫn nóng như thiêu như đốt. Đôi khi có những chuyện buồn mà lại hay, lại đẹp, giống như những cơn bão biển tạo nên những con sóng có bọt màu vàng, hay như những người không tên mà có rất nhiều tên…

38. Pháo Đài Số – Dan Brown, Chúc Linh dịch.

Đọc xong cuốn này trong 10 tiếng đồng hồ ngồi trên tàu hỏa SE1 chặng Quảng Ngãi – Sài Gòn. Nói chung xem nhiều phim trinh thám hình sự với hành động Mỹ các kiểu rồi nên cũng không bất ngờ lắm với nội dung, vì có thể đoán được những diễn biến tiếp theo sẽ như nào như nào. Chỉ thấy thú vị với những kiến thức trong cuốn sách thôi (những kiến thức mà không thể đoán trước được ấy, hehe). Nhưng cũng vui vì biết được mật mã là con số 3 trước khi nó được giải 🙂

39. Những Đứa Con Của Nửa Đêm – Salman Rushdie, Nham Hoa dịch.

Cái kiểu viết theo lối “ngay cả kết thúc cũng có sự bắt đầu” này đọc vừa mệt vừa thú. Kể chuyện thì cứ dài dòng văn tự, chuyện nọ xọ chuyện kia, sẵn sàng bỏ quên chuyện này để nhảy sang chuyện khác để rồi sau đó trở lại với câu chuyện tưởng chừng đã quên ấy bằng một màn tóm tắt ngắn gọn vì sợ người ta quên (theo kiểu tóm tắt tập trước mà ta thường hay gặp trong các TV Series ấy). Nói tóm lại, là tại sao ta phải cố nuốt một thế giới (chán òm) để hiểu một cuộc đời cũng chán òm ngang ngửa? Tất cả cũng bởi như những đứa trẻ nửa đêm ra đời để trở thành không gì cả, ta nuốt chúng cũng là để không làm gì cả. Mà, ai biết được cái không gì cả ấy có ý nghĩa như thế nào. Vì ngay cả cái không gì cả cũng có một cái gì đó hehe…

Hơn nữa, cái sự chán òm như đã nói trên kia lại được tái hiện bởi một tài năng siêu việt, giàu trí tưởng tượng và đầy thuyết phục của Salman Rushdie nên nếu bạn không thích cuốn sách thì đó là lỗi thuộc về chính tác giả: không biết thế nào là sách hay ;))

40. Thiên Thần Và Ác Quỷ – Dan Brown, Văn Thị Thanh Bình dịch.

Ban đầu vốn định cho 4 sao nhưng ấn tượng vô cùng với đoạn gần kết, ấn ấn tượng lắm ấy, (kiểu như sự việc vốn dĩ không phải là lần đầu tiên được trải nghiệm nhưng vẫn thấy xúc động đến tận tâm can ấy ^^), nên chuyển qua 5 sao, cơ mà chương kết thấy vẫn không thuyết phục lắm với nhân vật Langdon nên thôi xuống lại còn 4*5 ;)) Dù gì thì khoa học với tôn giáo cái nào cũng hết sức là mị dân, nếu xét theo khía cạnh “thiện” hehe.

41. Quá Khứ Là Miền Đất Lạ – Gianrico Carofiglio, Trần Hồng Hạnh dịch.

Không hay lắm, không đọc cũng được 😀

42. Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực – Phạm Công Thiện.

Thề luôn, đọc xong đọc lại không nhớ mình đã đọc cái gì. Chỉ biết đó là những con chữ rất… hay ho, cứ tràn ra, nhảy múa, xong biến mất, kiểu như chúng không bao giờ có thực, và việc ta đã đọc chúng cũng không bao giờ có thực vậy…

43. Lược Sử Máy Kéo Bằng Tiếng Ukraina – Marina Lewycka, Hồ Thanh Ái dịch.

Cũng được. Nhưng có thể nào để cho nhân vật Valentina ấy từ đầu đến cuối chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng siêu việt của ông lão ngoài 80 tuổi Nicolai ấy được không? Đừng cho cô nàng ấy có thật hihihi. Có như thế mình sẽ thích câu chuyện hơn. 😛

44. Tiếng Gọi Tình Yêu Giữa Lòng Thế Giới – Kyoichi Katayama, Minh Châu dịch.

Dễ thương dễ đọc dễ dỗ giấc ngủ. Bỗng dưng nhớ đến một câu rất không liên quan: “ông ấy là một người lịch sự, lịch sự đến nỗi nhường cho bà ấy chết trước” 🙂 thực ra thì nói lịch sự vậy thôi chứ đó cũng là một cách gánh lấy nỗi đau cho người chết đấy, vì sống mới đau đớn chớ chết rồi thì không đau đớn mấy đâu 😀

45. Nữ Sinh – Dazai Osamu, Hoàng Long dịch.

BUỒN THẬT LÀ ĐẸP

1. Như việc buồn vì “một điều gì đó vừa cảm nhận được” đến mức đánh rơi chiếc đĩa, để rồi vô tình chứng kiến một nỗi buồn khác, ngoài mình, mà tựu chung lại thì tất cả đều khổ sở và buồn bã như nhau.

Nó đẹp lắm!

2. Như việc buồn vì nhận và hiểu ra rằng một người nào đó phải che giấu điều gì đó trước ai đó thì có nghĩa người đó đang rất là khổ chứ chẳng có sung sướng gì.

Nó cũng đẹp lắm!

3. Như việc buồn vì biết đang có chuyện gì đó xảy ra, thậm chí là mơ hồ đã biết rõ chuyện gì đã xảy ra, mà vẫn làm như không có chuyện gì xảy ra, để rồi chính mình trở thành người che giấu chứ không phải ai khác. Che giấu cái sự biết.

Nó càng đẹp làm sao!

4. Như việc buồn vì thấy mình quá đỗi “bình thường”, mà theo như mong ước cá nhân thì thà là phát điên lên còn thấy vui hơn. Để rồi nhận được cái sự đồng ý đến đồng lõa của người đối diện.

Nó đẹp chứ nhỉ?

5. Như việc buồn vì không chấp nhận mình quá nghiêm túc và lương thiện đến mức khiến người khác thấy cảm động nên quyết tâm trở nên càng… lương thiện hơn khi “chia sẻ” nỗi khổ của người khác bằng cách nói rằng mình cũng rất khổ tâm khi nhìn thấy người ta khổ sở.

Đẹp thật đẹp. Vì nhận ra hạnh phúc thật đơn giản: là làm cho người khác vui. Chẳng cần đạo đức gì, chỉ cần vui vẻ thì mình có buồn cũng được.

6. Như việc buồn vì nhận ra chân lý “những người buồn bã thường rất hay cười thật tươi”, và những người trong lòng cảm thấy thật sự kinh ngạc nhưng lại cứ giả bộ như không thì đau đớn như thế nào.

Nó quả nhiên là đẹp.

7. Và như việc quá buồn khi nhận ra con người ta đôi khi vì sợ hãi hay “khổ đau rất cá nhân” hay giả vờ đạo đức khi cảm thấy bản thân làm chuyện tội lỗi mà không dám công khai cái sự giả dối “có thể chấp nhận được” của mình, để rồi quy tất cả cho một tác động vô hình, một thứ quyền lực vô hình nào đó không có thật (hoặc chỉ là thật ở mức độ tưởng tượng), thì thật đáng khinh làm sao.

Nó mới đẹp làm sao. Đẹp vì không phải cái gì đáng thương thì đều khiến con người ta cảm thấy xúc động (mặc dù rất có thể đó cũng là một sự cố gắng để không phải xúc động). Đáng thương đôi khi chỉ vì quá ngu ngốc và vớ vẩn mà thôi.

Đẹp vì đôi khi có những sự việc hiện tượng đáng ra phải buồn thương và giận dữ thì lại chỉ thấy phiền muộn và rã rời. Một sự thất vọng buồn thương và đẹp đẽ làm sao!

—————

P/s: Chỉ là vài dòng cảm nhận về truyện ngắn “Người vợ”, vì cảm giác rất thích truyện này. hehehe.

46. Sự An Ủi Của Triết Học – Alain de Botton, Ngô Thu Hương dịch.

I love you, Alain de Botton! Hihihi.

47. Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà – Haruki Murakami, Trương Thùy Lan dịch.

Tuyệt vời! Những khi cần bế tắc lại không thấy đủ bế tắc cần thiết, đọc Murakami Haruki thế này cũng là một cách quên đi bế tắc và rơi vào trạng thái rỗng không, từ đó nhận ra bế tắc thực sự là như thế nào.

48. Về Cô Gái Này – Nguyễn Ngọc Thuần.

Mỗi thời điểm, con người có một cách lựa chọn riêng, nhưng tiêu chuẩn của sự lựa chọn đó thì lại hoàn toàn giống nhau.

49. Cha Và Con – Cormac McCarthy, Thanh Nhã dịch.

Có những người quan trọng tuyệt đối với ta, quan trọng đến mức nếu không có người ấy ta sẽ chẳng có thể làm nên trò trống gì, thậm chí là quan trọng đến mức khi người ấy đi rồi, người ấy bằng cách nào đó cũng sẽ “gửi” lại cho ta những người khác, tuy không được như người ấy, nhưng cũng sẽ giúp ta phát huy những “trò trống” mà nhờ có người ấy, ta đã làm được, đã tích lũy được.

Với Cha và Con, người cha đã luôn bên cạnh đứa con trai của mình cho đến lúc nó tìm ra được ngọn lửa của chính mình, để rồi với bất cứ ai ngoài cha nó, nó vẫn có thể đi và đứng vững trên chính đôi chân của mình, trên đường. Như nhan đề của nguyên tác The Road của Cormac McCarthy, cuộc hành trình của đứa con trai theo đó vẫn cứ tiếp tục, trên đường, dù rằng người cha yêu dấu đã chọn đi con đường khác: “hội ngộ” người Mẹ (có thể) đang ở trên thiên đường.

Có những người, chỉ đến, khi người khác đã ra đi. Cũng như có những cánh cửa, chỉ mở, khi cánh cửa khác đã đóng. 🙂

50. Đối Diện Cuộc Đời – Jiddu Krishnamurti, Nguyễn Tường Bách dịch.

Cuộc đời đầy rẫy những Chân lý mà Chân lý lại là mảnh đất không có đường đến. Chân lý của cuộc đời chỉ có thể tìm thấy khi bạn chịu khó mua cuốn này về, đọc rồi… quên phức nó đi :3 Nhớ mà làm chi, áp dụng mà làm chi để tâm bất biến, rốt cuộc cũng là có mục đích cả, mà như sách đã nói hay chính xác hơn là như những lời Krishnamurti đã nói, thì phàm làm bất cứ việc gì mà có mục đích, có tầm cầu, có sự dụng công, thì Chân lý sẽ chỉ mãi mãi tồn tại ở miền cực lạc nào đó, mà phải phiêu diêu thì mới mong tìm thấy được hehe. 😀

51. Thế Giới Là Một Cuốn Sách Mở – Lévai Balázs, Giáp Văn Chung dịch.

Người thợ khác người nghệ sĩ ở chỗ: người nghệ sĩ chỉ biết đưa ra ý tưởng và sáng tạo ý tưởng, còn người thợ thì mới đi đến cùng cái ý tưởng đó!

52. Trường An Loạn – Hàn Hàn, Trần Quang Đức dịch.

Đó là một cảm giác thật… Aaaaa, mình muốn biết câu nói đầu tiên của Thích Không sau khi tỉnh dậy từ cú ngất ở hang động đầy… ám khí xú uế kia là gì!!!

53. Istanbul – Hồi Ức Và Thành Phố – Orhan Pamuk, Nguyễn Quốc Trụ dịch.

Đọc xong cuốn sách này, mình chỉ muốn đi tìm đọc tập thơ Điêu Tàn của Chế Lan Viên, hehehe. 😀 Chi mà nhiều điêu tàn đến thế. Toàn là điêu tàn, Istanbul điêu tàn, Thành phố điêu tàn, vịnh Bosphorus điêu tàn, cảnh vật điêu tàn, ngõ hẻm điêu tàn, nỗi buồn điêu tàn, hüzün điêu tàn,… nghe mà phát điêu tàn 😛

Nhưng mà mình mê cái vẻ điêu tàn chất chồng điêu tàn ấy lắm ^^

54. Quấn Quít – Romain Gary, Hồ Thanh Vân dịch.

Đơn giản, đây là thể loại dành cho mình, là giọng văn dành cho mình, là hạnh-phúc-của-việc-đọc hiếm hoi mà mình có thể cảm nhận được, nên mình rất thích nó. Một sự “đồng cảm chọn lọc, sàng lọc, chắt lọc, vì những tìm tòi không đơm hoa kết trái”, một nỗi “ấm áp tự nhiên, kiểu tương thân tương ái” mà không cần bất cứ lý do nào khác <3

Lúc đọc đoạn này:

… Tôi rất dễ sinh lòng quyến luyến. Đó là nhu cầu, nơi tôi, được che chở, được trao minh cho người khác. Mà một cảnh sát trưởng thì rõ là người khác rồi.

Mình nhớ ngay đến Cuộc sống ở trước mặt, khi mà cậu bé Momo vì muốn tìm mẹ nên cứ suốt ngày quanh quẩn làm đủ trò lố quanh các bà để một trong các bà để ý đến mình. Vì Mẹ chính là một trong các bà, không thể nào là một trong các ông được. Hehe.

55. Để Em Khỏi Lạc Trong Khu Phố – Patrick Modiano, Phùng Hồng Minh dịch.

… Và rồi, tôi thấy mình đã đi đến cuối con phố, mà không hề bị lạc hay phải dừng lại để hỏi bất cứ một ai. Tuy nhiên tôi lại không biết mình đã đi đến nơi bằng cách nào và phải đi qua những đâu, cũng như không biết giữa đường có những gì và có những ai, bởi lẽ tôi đã quên mất đường về. :3

Đọc 4 cuốn của Modiano rồi mới thấy có những thứ nghe qua tưởng chừng rất thân quen, nhưng lại khiến mình quên mất tiu :))

56. Hố – Louis Sachar, Nguyên Hương dịch.

Đọc phê như con tê tê, có thể cười khúc khích và sảng khoái bất cứ lúc nào, dù rằng câu chuyện thì không hẳn là vui. Những mối quan hệ trong tù nói chung và trong các “trại cải tạo” nói riêng đều rất thú vị, nhất là đối tượng ở đây lại là những đứa trẻ. Cơ bản mà nói, kinh nghiệm rút ra sau khi xem và đọc những câu chuyện như thế này, đó là luôn có một đứa (người) mà lý do vào tù hay vào trại cải tạo của nó (họ) là không đáng, chỉ là đm, định mệnh hehe.

Hài hước, cảm động, lôi cuốn và hấp dẫn 😀

57. Khải Hoàn Môn – Erich Maria Remarque, Cao Xuân Hạo dịch.

Ôi thôi thì quá đỉnh. Một ca phẫu thuật tâm lý con người thành công vượt trội của Remarque (cảm giác cứ như lúc đọc Tội ác và hình phạt của Dostoyevsky vậy)!

Thích vô cùng cái đoạn Ravic “thuyết giảng” cho Jeanne về cái gọi là nỗi đau đích thực của một tình yêu đích thực thì nó phải như thế nào, khi mà Jeanne cứ liên tục dằn vặt anh rằng anh đã bỏ cô đi không một lời giải thích để rồi khi trở về thì lại ghen tuông vớ vẩn, (Nói thiệt đọc cái đoạn đó mình ghét Jeanne kinh khủng khiếp, nhưng đến đoạn cô hấp hối thì mắt lại chực chờ ứa lệ :)), trong khi trông vẻ bề ngoài thì cứ như là chẳng có một nỗi đau nào ở Ravic hết. Nó thật sự là rúng động, khi mà Ravic (hay chính là Remarque) đã mô tả tình yêu trong anh như một mầm xanh nảy lên bên trong một ngôi mộ mà linh hồn trong nó vốn tưởng đã chết. Thứ tình yêu nảy sinh từ sự cô độc tưởng chừng vĩnh cửu, im lặng nhưng vô cùng mãnh liệt thì cái sự “không có anh em chết mất” của Jeanne nó trông lố lăng đến mức như thế nào và nó chẳng là cái thá gì ra sao.

Nhưng mà thực sự thì, không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào, chỉ là cách thể hiện của chúng có phần hơi khác nhau mà thôi ^^

Và tất nhiên, mình thích mọi đoạn đối thoại trong Khải hoàn môn, vì nó thật sự mang lại một cảm giác, là mình có thể… áp dụng chúng cho những lần trò chuyện với những người xung quanh mình trong trường hợp muốn châm biếm hay mỉa mai hehehe.

58. Trí Tuệ Giả Tạo – Internet Đã Làm Gì Chúng Ta? – Nicholas Carr, Hà Quang Hùng – Linh Giang dịch, Vũ Duy Mẫn hiệu đính.

Haizz, với những cuốn sách như thế này thì chỉ có thể chấp nhận một điều rằng ừ thì cho dù ta có bị làm gì đi chăng nữa thì sự thật là nó đã xảy ra như vậy rồi. Vấn đề còn lại chỉ là muốn hay không muốn để cho cái đã xảy ra đó tiếp tục xảy ra hay không mà thôi. Trí tuệ có giả tạo thì cũng trí tuệ phết đi chứ! 😀

59. Heidegger Và Con Hà Mã Bước Qua Cổng Thiên Đường – Thomas Cathcart, Daniel Klein, Hà Gia Hân dịch.

Mua quyển này và đọc xong rồi mới thấy giá trị của 2 cuốn Cộng hòa và Chính trị luận mà mình đang đọc dang dở 🙁 Đại khái là thà đọc mấy đoạn đối thoại khô như ngói ấy còn hơn là đọc mấy mẩu truyện cười không hề có một chút xíu kích thích như thế này huhuhu.

=> có bạn đọc cảm nhận này của mình đã bảo mình rằng “Try to read it in English :)”, chắc có khi phải vậy thật hihihi.

60. Tình Yêu, Tội Ác Và Trừng Phạt – Nguyễn Huy Thiệp.

Nói một cách chung chung thì đọc cuốn này cảm giác rất chi là sung sướng. Đọc tới đâu hiểu tiếng Việt tới đó cũng như lật tới trang nào là thấy chất Việt Nam ngay trang đó. Nhưng nói một cách riêng riêng thì chắc chắn một điều rằng, sung sướng nhưng hông có đã huhuhu. Bởi đọc tới đâu chưa chắc hiểu nội dung một-cách-sâu-sắc tới đó. Điển hình như truyện Sang Sông, đọc đi đọc lại mấy lần, thậm chí cả lần mò mấy bài phân tích trên gu gồ vẫn chỉ mới hiểu sơ sơ hihihi.

61. Vỡ Tổ – Rabindranath Tagore, Hiếu Tân dịch.

Nỗi đau khi bị bỏ rơi bởi một người bận rộn đương nhiên là không kinh khủng bằng nỗi đau bị bỏ rơi bởi một người mà ngay cả chính bản thân họ cũng không biết mình đang bỏ rơi người khác hihihi.

62. Đường Xa Nắng Mới – Nguyễn Tường Bách.

Đôi khi cũng phải thừa nhận một điều rằng đọc sách giấy vẫn “dễ nuốt” hơn đọc ebook. Điển hình là ebook cuốn này mình lật dở miết mà đọc hông vô, vậy nhưng cầm trên tay bạn giấy là y như rằng đọc một mạch :”>

Thực ra thì cũng không phải là hay xuất chúng gì đâu, chẳng qua là cảm giác dễ chịu. Mọi thứ chỉ cẩn có tâm là được. Tâm hướng về nơi nào đó, rồi không nhất thiết phải đến nơi ấy mới hoàn thành nhiệm vụ; cũng như tâm hướng về ai đó, thì cũng không nhất thiết phải gặp được người đó mới thỏa chí nguyện bản thân. Đó là chưa kể, không phải cứ muốn đến là đến được; muốn gặp là gặp ngay. Phải tích bao nhiêu công đức mới đến được chân núi, phải tu bao nhiêu kiếp mới đi lướt qua nhau; còn việc leo lên được đến đỉnh núi hay không, gặp được người hay không là còn phụ thuộc vào nhân duyên. Nhân duyên đủ đầy thì có hai hướng xảy ra: hoặc là đến đích, hoặc là để lại tàn tích :))

Tất nhiên, thực hiện được thì vẫn tuyệt vời hơn là vì một lý do nào đó phải nhờ đến sự trợ giúp của Tâm, hehehe.

63. Đời Tôi – Marcel Reich-Ranicki, Lê Chu Cầu dịch.

“Em có biết đất nước ấy không
Nơi đại bác đua nhau nở rộ?”

Em có biết nhà phê bình ấy không?
Nhà phê bình nhiệt tình Wiktor Hart ấy đấy?
Người đã thán phục tiếng hát của Marysia Ajzenstadt
bằng lời nhận xét có thể nói là với lòng biết ơn
Rằng đó là tiếng hát chứng tỏ nghệ thuật tột cùng, một sự thành thạo đích thực?
Đó chính là Marcel Ranicki đấy! 😀

Nói thật là đọc đoạn nói đến ý này thấy hài hước ghê gớm lắm. Và thích lắm lắm. Kiểu như nếu không đọc Đời tôi thì sẽ không thể biết được nhà phê bình nhiệt tình ấy là ai, không thể biết được ai-trồng-khoai-đất-này! 😀

Kiểu giống như đọc blog Nhị Linh thì biết được dịch giả Trần Bạch Lan là ai vậy đó Hahaha.

64. Bà Bovary – Gustave Flaubert, Bạch Năng Thi dịch.

Không đồng cảm lắm với Madame. Cũng không ấn tượng lắm với câu chuyện. Chắc không đúng thời điểm. 🙁 Nhưng mà thấy thú vị với chi tiết Voltaire trước khi chết, lúc hấp hối, đã ăn phân của mình. Sách viết về chi tiết này nói là “như mọi người đều biết” nhưng mình bây giờ mới biết, hihihi.

65. Tâm Lý Học Hài Hước – Richard Wiseman, Vũ Thanh Nhàn dịch.

Cuốn này, đích xác là nó có chứa những vấn đề mà mình quan tâm như Ngày sinh, Chiêm tinh học, rồi thì việc nói dối, tâm lý hay tính cách con người bla bla… Và những vấn đề đặt ra thì mới đầu đọc phần diễn giải lên thì nghe cũng vô cùng thú vị. Nhưng mà huhu, tâm lý học thì có nhưng chẳng thấy có hài hước gì. Đọc hoài đọc mãi mà không thấy có gì khởi sắc. Cho nó vô mục Sách-đọc-nửa-chừng-thì-tạm-dừng nhưng thực ra thì cũng đọc đến gần hết, chỉ còn mỗi phần cuối cùng với Lời cảm ơn là không đọc thôi, vì càng đi về cuối nó càng khô queo khô quèo như mái ngói lâu ngày không gặp mưa. Chưa kể trong này còn có một chương nói là “Tin người nhưng không phải tin những gì họ nói”, thiệt là không biết có nên tin những gì tác giả nói trong đây không hahaha. Nói chung là chỉ có thông tin, thông tin và thông tin thôi. Dù sao thì cũng thấy thoải mái với cái khám phá về “tầm nhìn ngoại biên” khi đọc tới bức ảnh nàng Monalisa của Leonardo da Vinci với lại con người chúng ta thường là bị những Cung hoàng đạo “hù” cho sống-một-cuộc-sống-phải-là, tức là đọc chúng rồi sau đó thích quá mà hình thành nên những tính cách giống như những gì chúng ta đã đọc được, hehehe.

66. Những Điều Khó Đỡ Khách Hàng Nói Trong Hiệu Sách – Jen Campbell, Nguyên Hương – Khôi Nguyên dịch.

Khó đỡ thật các bạn ạ 😀 Tức là nếu mà mình bán sách, hay đơn giản chỉ là người đọc sách bình thường, gặp phải những câu hỏi như vậy, có khi cũng đớ người ra thật 😀 Nhưng mà có những câu hỏi buồn cười, rất buồn cười và những câu khỏi khác, đương nhiên, là không buồn cười lắm 😀 Cũng có những câu hỏi kỳ cục, hơi hơi vô duyên nhưng không sao, chỉ là nó mang tới cho ta một cảm giác ba chấm thôi hihihi.

Biết đâu được tương lai sẽ có cuốn tiểu thuyết hư cấu mang tên “Chuyện khỉ gió” do Một nghìn con khỉ viết nên thật, và sau đó là sự ra đời của tác phẩm phê bình văn học “Đười ươi nói gì khi nói về Chuyện khỉ gió” thì sao. Tựa như Đười Ươi chân kinh – một tác phẩm có thật vậy đó. Để rồi sau đó nữa sẽ có người hỏi “Ở đây có cuốn sách nào nói về khỉ với đười ươi không nhỉ? Tôi nhớ mang máng có ông Zúi Zúi nào đó viết về cuốn đó thì phải”, và ta sẽ trả lời ngay: “A, là Bàng Zúi đấy! Chắc là bạn muốn nói tới cuốn Đười Ươi chân kinh! Nó nằm ở gian Tôn giáo.” Kakaka.

67. Quân Vương – Niccolò Machiavelli, Thiếu Khanh dịch.

Đây là quyển sách đúng như tác giả nói rằng sẽ giúp ta có thể có cơ hội trong một thời gian ngắn mà lĩnh hội được tất cả những gì chính tác giả phải mất rất nhiều năm để học được.

Tuy nhiên có một số chỗ dịch đọc lên nghe cứ bị mâu thuẫn thế nào ấy, như đoạn này chẳng hạn:

“Con người hoặc phải được đối xử tốt hoặc phải bị nghiền nát, vì họ chỉ có thể trả thù những thương tổn nho nhỏ cho hả giận thôi, chứ đối với những tổn thất nghiêm trọng hơn thì họ không làm gì được. Vì vậy, làm cho ai tổn thương thì nên ở mức độ vừa phải để khỏi sợ bị trả thù.”

=> đúng ra thì đã làm cho ai tổn thương thì phải tổn thương cho đến cùng chứ nhỉ? Còn không thì mặc xác nó, chẳng quan tâm đến nó, nếu không muốn phải đối xử tốt với nó, chứ nhỉ? >.<