Và là thế là con mèo đã ra đi

1.Đó là con mèo trứ danh trong “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”. Một chú mèo có tên Zorba vì giữ lời hứa với một cô hải âu trước khi chết nên đã quyết định ấp trứng và nuôi dạy chú hải âu con nên cơm nên cháo (định viết là nên người nhưng mà hải âu thì làm sao mà nên người được, hải âu tốt nhất là nên trở thành hải âu xịn mới chuẩn).

Nhưng lời hứa có tới tận ba điều, ấp trứng nở, nuôi lớn và cuối cùng dạy cho biết bay. Hai điều trước có thể làm được mà chỉ cần tình thương nhưng điều cuối cùng thực sự là khó vì một chú mèo có bao giờ biết bay mà dạy được hải âu bay? Zorba với đám bạn của mình đã tìm đủ mọi lời khuyên, từ sách vở tới phá bỏ điều cấm kị để đi nói chuyện với con người nhằm thực hiện được lời hứa này. Nhưng cuối cùng, ‘chỉ có kẻ dám bay mới thật sự bay’. Zorba cùng bạn cũng chỉ có thể tạo điều kiện hết sức cho chú hải âu non Lucky và giúp chú ta một đạp nhẹ để rớt từ trên mái nhà xuống. Bay được hay không là việc của hải âu. Và may mắn, được.

2.Vô tình lượm được cuốn “Hoa hồng sa mạc” trong lúc đi lang thang ở Đinh Lễ để câu giờ. Hay lượn nhất là Ngân Nga bởi tiệm to có nhiều sách nhưng cuối cùng lại chẳng biết mua gì. Ngay cạnh Ngân Nga là tiệm sách của chị Hoa, thôi thì tin vào curator lượn qua thêm một phát. Khoảng thời gian này ra HN cũng nhiều nhưng tới lúc này mới chợt nhận ra rằng tiệm sách của chị Hoa cũng đã bắt đầu bán nước cam, nước chanh, cà phê … Sách, đã không còn cạnh tranh lại được với Tiki nữa rồi. Trừ là để bán cho những đứa thích lang thang.

Quay trở lại, tới lúc cầm lên máy bay rồi mới chợt nhận ra tác giả của “Hoa hồng sa mạc” cũng chính là tác giả của “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” – Luis Sepúlveda. Đọc ngấu ngiến trong 2h ở trên máy bay với những mẩu truyện nhỏ đầy cảm xúc. Trong đó, có một mẩu mang tên “Tình yêu và cái chết”.

3.Hoá ra, Zorba là có thật. Và nó bị ung thư phổi. Và nó rất đau đớn.

Đối mặt với chuyện này, Luis đã nói hai thứ. Một là Zorba rồi sẽ phải chết. Hai là cách Zorba chết như thế nào lại tuỳ thuộc vào tác giả và các con. Họ có thể giúp cho Zorba chết với một liều an thần để giữ ‘phẩm cách’ cho nó. Hoặc cứ để nó đau đớn rồi chết một cách tự nhiên.

Câu hỏi thú vị và đau đớn nhất trong câu chuyện này là “Đạo đức là thuộc tính hay một phát minh của con người?” Có nghĩa là, đạo đức được gắn với bất cứ con người nào hay chỉ là sản phẩm của một nhóm người mà thôi? Và thực sự Zorba có cần thứ đạo đức của con người, đang cố gắng giữ phẩm giá cho nó để nó không phải mất mặt với lũ mèo cùng trang lứa, với lũ chuột cứ nhìn thấy nó là thấy kinh hoàng hay không? Giữ, bằng cái chết.

4.Có một câu nói khác khá ám ảnh mình. Câu nói của một bà cụ được đọc trong một cuốn sách nào đó mà mình không thể nhớ tên được (nếu bạn nhớ, hãy giúp mình comment). Một bà cụ (giả sử 95 tuổi đi), nói rằng tôi đã chết được 25 lần rồi. Kể từ năm 70 tuổi, lời chúc mừng sinh nhật với tôi được nói ra chắc hẳn đã ít hơn những lời thầm thì trong đầu người khác về chuyện tại sao tôi vẫn còn sống tới giờ này.

Con mèo đã ra đi. Vì Luis với suy nghĩ của một con người đã muốn giữ phẩm giá cho nó, muốn nó có một cái chết nhẹ nhàng êm ái, không muốn mất đi hình ảnh oai hùng của nó. Bà cụ cũng không biết đã ra đi hay chưa, và không biết có được lên thiên đàng hay không. Nhưng, cũng trong “Hoa hồng sa mạc” có một đoạn nhắc tới thiên đàng. Thiên đàng this, thiên đàng that. Người ta sống bất tử trên thiên đàng lạnh lẽo mặc toàn đồ trắng rốt cuộc để làm gì? “Không phải bầu trời của các linh mục, mà cái còn lại ấy, nơi cuộc sống là một lễ hội”.