Tiệm phở ‘tình thương’

Phở - Justin Khương
Phở – minh họa của Justin Khương

1.Hôm rồi được một người bạn dắt vào ăn phở ở một tiệm phở nằm trong một con hẻm sâu và lắt léo với một đứa dốt đường như mình. Một quán phở nhỏ như con hẻm không đủ lối đi cho hai xe máy thoải mái ngược chiều nhau cùng lúc. Phở vị khá ngon so với các quán phở Nam nổi tiếng có cửa hàng ở mặt đường. Cho dù mình sẽ cố tìm cách quay lại đó một mình (vì mình ngu đường :D) thì câu chuyện thú vị nhất mà mình nghe được không phải là về phở, mà là cái cách khá ấm áp mà cô chủ quán (chắc cũng chỉ trẻ hơn mẹ mình 10 tuổi) nói chuyện với bạn của mình – khách hàng của cô từ hồi còn bé. Cô vừa nói vừa cười “Hàng phở này là hàng phở tình thương chứ không phải là hàng phở làm kinh doanh, tất cả là nhờ người này người kia dẫn bạn bè vào ăn phở dùm cô mà cũng mấy chục năm rồi.” Rồi cô kể, có một chị là tiếp tân của khách sạn ở gần đó cứ dắt khách đi qua liên tục, một lúc lại dắt một nhóm qua rồi lại quay về, rất nhiệt tình. Hẻm lắt léo mà, chỉ đường sao bọn Tây nó biết mà đi được?

Có dễ gì, mà ‘tình thương’ tồn tại được mấy chục năm như vậy? Người ta thương nhau được một lần, chứ làm sao mà thương nhau tới mức dắt khách qua dắt khách lại suốt chẳng đòi hỏi gì?

2.Cái sự ấm áp trong nụ cười và bát phở ‘tình thương’ ấy khiến mình nhớ dì mình vô cùng. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, ví như lúc mà em bé mới sinh ra đã có vấn đề phải nằm viện, dì vẫn giữ được nụ cười trên môi và băng băng đi tìm cách giải quyết. Rồi lúc mà một chị người quen bật ra câu hỏi, tại sao dì mình không phải là người xuất sắc nhất nhưng lại có thể lên được chức ấy trong một tờ báo có tiếng như vậy, mình cũng lại chỉ mỉm cười. Vì không lẽ, mình trả lời rằng bởi dì biết cách giữ nụ cười trên môi. Cũng như cô bán phở vậy, ai làm việc chẳng có khó nhọc, tiệm của cô trong hẻm còn khó nhọc gấp mười lần tiệm ở ngoài đường nhưng không vì thế mà cô làm phở chán đi, không vì thế mà cô cáu gắt với khách. Trái lại, cô mỉm cười và nói dăm ba câu chuyện thật ấm áp, vậy là đủ để mình quay lại rồi.

3.Cho tới lúc này, mặc dù đã chẳng còn dính dáng gì tới ePi/Baomoi nữa, mình vẫn cứ gọi các bạn ePi mỗi khi có việc gì đó có lẽ là sẽ tốt cho ePi cho dù nếu không gọi ePi, có thể mình sẽ có lợi hơn rất nhiều. Một nửa bởi vì đó là nơi mình đã gầy dựng từ đầu, một nửa là bởi vì ‘tình thương’ từ những chuyện rất nhỏ. Ví dụ như chuyện từ năm 2007-2008, lúc mình quay trở lại HN từ SG vì ePi, mình thực sự hơi cảm thấy bất an vì cung cách làm việc của ePi khá lộn xộn, không chuyên nghiệp như mình đang mong đợi. Rồi thì trong cái đống lộn xộn đó, một ngày mình bước vào toilet và thấy cảnh tượng toilet ở ePi rất kinh dị, một ai đó đã quên không giật nước 😐 😐 😐 Mình chả phải công tử gì nên sẵn sàng giật nước, nhưng mình muốn và cần phải gọi các bạn để chỉ cho các bạn trong công ty thấy là đừng có quên mà làm như thế lần nữa. Rồi bạn giám đốc công ty, một bạn công tử đã lao vào giật nước đánh uỵch một cái. Thế là giải tán. Thế là mình thấy tình thương với ePi lại trỗi dậy ghê gớm, là mỗi lần khó khăn mình lại nghĩ tới vụ này, lại kiên nhẫn nói chuyện cho đàng hoàng chứ không bỏ ngang xương nữa.

4.Nào thì cứ nói thương hiệu phải thế này phải thế kia mới trường tồn được. Rồi thì hoa mỹ, đao to búa lớn đủ kiểu. Nhưng mà, nói thế nào thì nói, làm người ta quay lại không chỉ vì bát phở vật chất mà còn là vì sự ấm áp, vì nụ cười, vì dám làm những việc mà mình chưa từng làm để tốt cho người khác (cho dù là việc nhỏ như ‘công tử’ đi giật nước), đấy mới là những thứ người kinh doanh nào có lẽ cũng nên làm. Và đồng bọn của những người kinh doanh đó nếu có, cũng hãy xin nhìn vào mặt tốt, vào niềm vui mà đi tiếp, đừng vì một hai thứ vớ vẩn có vẻ chuyên nghiệp nhưng thực ra phù phiếm của các công ty lớn mà so sánh…