Thuốc lá, tuyết và khoang tầu im lặng

Đó gần như là một chuyến đi dài nhất từ trước tới nay, đó cũng là những địa điểm mà không biết cả đời có thể có cơ hội, tiền bạc và thời gian để quay lại hay không, rồi cũng là lần đầu tiên phải chuẩn bị hơn 10 loại giấy tờ khác nhau để xin một mảnh giấy bé tí – visa vào Schengen. Vậy nên cần phải viết một chút về những gì đã thấy, đã cảm nhận. Nhưng lại chẳng biết viết gì, vậy cứ liệt kê những gì nhớ được ra nhé.

Is it an ashtray?

Thuốc lá là thứ duy nhất hiển hiện để có thể nói là người Bắc Âu … kém văn minh hơn người Việt Nam chúng ta. Còn những thứ không hiển hiện thì không nói được, nhưng rõ ràng là bạn có thể hút thuốc lá ở nơi công cộng, chính xác hơn là ở ngoài trời. Trong khi đó, Việt Nam đã có nghị định 45 từ năm 2005 (?) về việc không được phép hút thuốc lá ở nơi công cộng và được nhắc lại một cách gay gắt hơn vào năm 2010 (chỉ nhắc lại thôi thì phải, làm hay không cũng không biết nữa). Ở tại các địa điểm công cộng trong nhà như nhà ga, sân bay, trên tàu thủy … đều thấy có phòng dành riêng cho người hút thuốc lá. Bù lại, cho dù có khói thuốc lá hay không thì không khí ở Bắc Âu đặc biệt khô và dễ chịu.

Thế nếu thèm thuốc lá trong nhà mà không phải lúc nào cũng tiện ra phòng hút thuốc lá thì sao? Có thuốc lá ngậm. Lần trước em gái có mang mấy hộp về, mình có xin một hộp để đem đi cho mọi người thử. Ai nghe thuốc lá cũng muốn thử, nhưng ai thấy thuốc lá ngậm xong cũng … lắc đầu. Không, thuốc lá là phải rít cơ, ngậm thì còn hay ho quái gì nữa! Mà rít thì người Bắc Âu thua điểm văn minh hơn người Việt Nam là chắc rồi.

Reaching Icy Sweden

Xong thuốc lá, nói sang tuyết. Đúng ra là đã được nhìn thấy tuyết ở Moscow khi transit rồi, nhưng lại transit vào đúng buổi tối nên sáng hôm sau mới nhìn rõ tuyết. Tuy nhiên thì cũng chưa ấn tượng lắm, chỉ ấn tượng là tất cả máy bay của các bạn Aeroflot đều được phun muối chống băng lên cánh máy bay trước khi cất cánh (lỡ cánh mà đóng băng rồi không thò ra thụt vào được thì toi!) Ảnh này chụp khi chuẩn bị hạ cánh xuống Thụy Điển. Nhà cửa, quang cảnh y hệt như là một … lũ bánh kem 😳

Old water hose in the winter

Cứ nghĩ tới tuyết, rồi -10 độ (C) là thấy hãi. Nhưng tất cả những người đã từng sống với tuyết đều bảo nó không lạnh như mình tưởng đâu. Mà quả thật là không lạnh thật, không lạnh bằng HN. Về HN 1 tuần rét không nhấc người ra khỏi giường được vào lúc 8h mặc dù tỉnh dậy vào lúc 6h30 sáng. Không lạnh bởi bạn nào cũng có lò sưởi, ở đâu cũng có lò sưởi, không lạnh bởi vì cửa kính có hai lớp, nhà tường gạch dầy cộp. Tất cả mọi thứ đều như là một cái tủ lạnh lớn và điều hay ho nhất nhớ được đầu tiên có lẽ là việc nếu muốn làm lạnh đồ uống hay thức ăn gì, chỉ đơn giản cứ mở cửa sổ ra, vứt ra ngoài đống tuyết trên bậu cửa sổ và để một lúc, thế là xong!

Waiting for the train (@ Lund Central Station)

Ở Bắc Âu mọi thứ đắt một cách điên khùng. Đắt tới nỗi mà về tính ra chả tiêu gì nhiều lắm bởi vì … chả dám tiêu gì. Một phần ăn nhanh bé tí ở ga tàu đã khoảng từ 5 tới 8 Eur, còn đi tàu điện cao tốc (chắc cũng khoảng dưới 150km/h thôi, không cao tốc như mấy cái tàu VN định làm đâu) thì nếu giá vé sinh viên (U26 tuổi) cũng đã là gần 20 Eur cho 250km, giá vé thường chắc phải lên tới 60-70 Eur. Hôm đầu tiên sang đi từ Stockholm về Linkoping, em gái bảo vé tàu mua là vé sinh viên, ai hỏi thì nhớ bảo là U26 đã thấy run rồi, nhưng hôm xuất phát từ Lund để đi Denmark thì mới thật là buồn cười. 4 đứa lên tàu, đứa trẻ nhất cũng 25 tuổi, đứa già nhất cũng đã 31 tuổi, vậy mà mua 4 vé U19. Tàu đi Denmark không có hạng sinh viên mà chỉ có hạng người lớn và thiếu niên, để tiết kiệm thì mua hạng thiếu niên. Đến khi soát vé, không dám nhìn vào cô soát vé nữa! Gọi là nghèo khó ngước mắt lên là như thế đó.

Cũng trên chuyến tàu ở Lund đi Copenhagen đó, vô tình ngồi đúng khoang im lặng. Cả đoàn tầu có một khoang ở cuối để dành cho những người cần sự im lặng. Không muốn nghe trẻ con khóc, không muốn nghe ai đó 8 chuyện một cách ồn ào thì sang khoang này. Ngồi mà ngậm ngùi nghĩ tới những lần đi máy bay có các bạn người lớn đằng sau cứ đạp vào lưng, tức anh ách.

Golden Room in the City Hall of Stockholm

Cuối cùng, phải nói rằng không biết người Bắc Âu vì tốt nên là họ là vùng hạnh phúc nhất trên thế giới hay bởi vì họ hạnh phúc nên họ tốt? Người Việt ta khi đi phượt mình cũng thấy tốt, thấy giúp đỡ tận tình nhưng vẫn có hên có xui, còn ở Bắc Âu thì dường như ai cũng sẵn sàng giúp bạn khi bạn hỏi họ. Tốt là một chuyện, để hạnh phúc thì chấp nhận mọi thứ một cách dễ dàng cũng là một điều cần và người Bắc Âu, đặc biệt là người Thụy Điển làm rất tốt chuyện này. Bảo tàng Vasa là bảo tàng nổi tiếng nhất Stockholm, nơi có một con tàu mang tên Vasa được đóng rất hoành tráng từ nhiều thế kỷ trước, vừa ra khơi được một chút thì chìm luôn, các bạn Thụy Điển vớt lên rồi trưng bày và bán vé với giá cắt cổ (với mình, 110 SEK). Cái buồn cười là theo tài liệu các bạn để lại thì không ai phải chịu trách nhiệm về vụ đắm tàu này, chỉ đơn giản là vua muốn hạ thủy nó nhanh nên nó đã bị chìm, hết! Không phải tìm ra một ai để chịu trách nhiệm. Vào City Hall của Stockholm, nơi diễn ra lễ trao giải Nobel hàng năm cũng vậy. Trong phòng Vàng trên ảnh, ở ngay cửa có một ông vua mất đầu. Guider nói rằng ông vua đó trong thiết kế có đầu, nhưng vì người thiết kế các họa tiết trong phòng để ông ở sát trần nhà và các họa tiết bắt đầu từ ngay dưới sàn nhà còn người kiến trúc sư lại thiết kế viền gạch xung quanh nên các họa tiết được nâng lên 60cm và ông vua … mất đầu. Thế nhưng họ vẫn cứ để đấy, và vẫn cứ hài hước kể lại cho du khách đến xem mỗi ngày.

Còn rất nhiều những mảnh nhỏ để nhớ lại nhưng có một điều cần phải biết, Thụy Điển là nước trung lập nhưng giàu có một phần bởi việc xuất vũ khí. Trong năm 2009, họ thu được 1.9 tỷ USD nhờ việc xuất vũ khí tới các nước EU, Nam Phi và Mỹ. Phong cảnh Thụy Điển rất đẹp, người Thụy Điển rất dễ thương, mức sống rất cao và họ xuất vũ khí sang các nước khác để mặc cho các nước khác bắn nhau sao thì bắn, họ trung lập. Thì cũng phải tìm ra một cái gì đó xấu của họ chứ, giống chuyện hút thuốc lá nơi công cộng, là người cả mà?

(backup từ buzz.tl)