Thiện, ác, những cái tát và smartphone

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

1.Cuốn “Thiện, ác và smartphone” của Đặng Hoàng Giang khá hay. Mình chưa đọc và cũng chưa muốn đọc cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” nhưng nhìn thấy cuốn này là muốn đọc ngay. Một phần là vì thấy vô cùng enjoy hai tháng vừa rồi không có Facebook và đang vật lộn để cảm xúc của mình bớt bị “điều khiển” bởi Facebook khi quay trở lại.

[quote cite=”Margaret Atwood”]Căm ghét sẽ đơn giản hơn nhiều. Với ghét, tôi sẽ biết mình phải làm gì. Ghét rõ ràng, lạnh như kim loại, thẳng tay, không nao núng; không như tình yêu.[/quote]

Sợi tơ hồng đầu tiên đứt chóng vánh, vậy là lại quay trở lại với điệp khúc “Bao giờ thì cháu…”, “Bố mẹ cháu già rồi…”, “Cháu phải nghĩ cho bố mẹ chứ…” Phản ứng dễ nhất là ậm ừ và cắm mặt vào smartphone. Lúc ấy thì, cái quái gì trên Facebook hay Báo Mới cũng tốt hơn. Nhưng mình chọn đối mặt. Tắt smartphone, nhìn thẳng và nói “Vâng, cháu biết” để xem cảm xúc của mình như thế nào. Những người trước mặt, không quá thân và có lẽ họ không có ác ý (còn thân ông chú rể chỉ nói một câu “Năm nay cố gắng có cái gì hay hơn năm ngoái nhé” và cho mình cái chân gà to bự ^^).

[quote cite=”Tom Hiddleston”]Tôi cho rằng độc ác chỉ là sự cô đơn được hóa trang thành cay đắng.[/quote]

Có vẻ lúc đó sẽ là bất kính nếu hỏi lại “Vậy bác nghĩ cháu có nghĩ cho bố mẹ cháu hay không?”, “Vậy bác nghĩ cháu vui lắm đúng không?”, “Vậy bác nghĩ cuộc sống của cháu có liên quan cái quần què gì tới cuộc sống của bác hay không?” Mình cứ ngồi yên, nhẩn nha cảm xúc của mình như nhấm nháp một miếng mứt quất. Mọi năm, bố đi mua quất chơi Tết, hết mùa thì mẹ sẽ hái quất làm mứt cho mình. Rồi mẹ đau chân, mứt quất không còn nữa. Và cảm giác nhẩn nha như ăn miếng mứt quất là cảm giác phải học cách dũng cảm hơn để đối mặt với sự việc cho dù chưa biết phải làm sao. Ít nhất, đối mặt và nghĩ về nó còn hơn là cắm mặt vào cái smartphone đang cố gắng biến mình thành dumb-man.

2.Gặp Linh, Trang và Kiên nói nhiều chuyện. Về nữ quyền, về LGBT. Em Trang nói “Đàn ông hỏi mình có cần giúp bê đồ không, mình không cần thì nhẹ nhàng cám ơn người ta là xong, cớ sao nói người ta hỏi thế là phân biệt giới tính, là hạ thấp đàn bà?” Về LGBT, Kiên hỏi vì sao nhiều thế? Mình nghĩ, muốn hỏi tại sao nhiều gay, thực ra hãy hỏi phụ nữ ấy. Bởi vì phụ nữ không còn hấp dẫn nữa. Ngày nay, cái gì cũng phải có ngay, tới ngay, thấy ngay, làm ngay, hưởng thụ ngay. Cho nên việc đẹp cũng ngay. Cái đẹp ‘ngay’ đó chỉ trên bề mặt, nó không phải cái đẹp và sự quyến rũ thật sự. Ai cũng cố gắng sơn phết lên khuôn mặt của mình trong vòng 30p nhưng không cố gắng trưởng thành thực sự để biến thành một người phụ nữ, để đàn ông thấy được ‘đàn bà’. Dễ kiếm một khuôn mặt bóng nhẫy, búng cái rung rung hơn là những khuôn mặt đẹp, sexy và tràn đầy năng lượng. Vậy hỏi sao? Hỏi sao mà “cô đơn không hóa trang thành cay đắng” hả các chị?

Phần sau của sách nói về cách cố gắng để bớt hạ nhục nhau, bớt xô bồ, bớt tàn nhẫn, bớt góp gió thành bão chỉ bằng nút share, nút like. Phần sau rất giống Giận của Thích Nhất Hạnh. Đặng Hoàng Giang liệt kê ra bảy bước của sự căm ghét. Phải định vị được, phải nhận thức được (như mình nhẩn nha cảm xúc vậy) thì mới có thể đối mặt với nó bằng sự điềm tĩnh, mới có thể hóa giải được nó.

3.Chắc chắn cuốn này mình sẽ đọc lại nhiều lần. Để đối chiếu với những gì nhìn thấy, để học cách điềm tĩnh hơn nữa cho một năm mới. Mình tin vào con người, tin vào mặt tốt của con người. Nhưng biết rằng trong thế giới cắm mặt vào smartphone này, người ta dường như càng ngày càng ít tìm cách để đối thoại với nhau để rồi sau đó lại chuyển cho nhau những tín hiệu sai lầm qua nút Share hay nút Like. Sách trích rằng trong xã hội luôn có 10% tàn nhẫn, 10% thực sự tốt đẹp và 80% dao động giữa hai bên. Đương nhiên, mình muốn ở 10% tốt đẹp và học cách để nói chuyện, để đối mặt với 10%++ tàn nhẫn của cuộc đời.