“Ngồi im trong gió nghe đêm rớt”

Liệu trên đời này có tồn tại “một tuổi thơ lộng lẫy và đau đớn”?

Trong câu hỏi này có cả thảy là mười lăm chữ, nhưng có đến tám chữ (trong ngoặc kép) là của nhà văn Nguyễn Quang Lập (bọ Lập). Vốn dĩ rất thích cách dùng từ của bọ Lập, đơn giản là vì có những điều rất đỗi bình thường nhưng ta lại không nhận ra.

img_02002

Ngồi im trong gió nghe đêm rớt
Chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Lần đầu tiên đọc hai câu thơ này trong cuốn sách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh, mình đã thẫn thờ mất mấy giây. Đêm rớt là đêm gì nhỉ? Tại sao lại đêm rớt?

Hỏi thế thôi, chứ biết chẳng có câu trả lời. Và cũng chẳng có ai trả lời cho. Biết đâu khi mang ra hỏi ai đó, một ai đó có khả năng, thì lại bị cho là dở hơi. 😀 Nhất là với một đứa luôn thẫn thờ khi đọc bất cứ cuốn sách nào của Nguyễn Nhật Ánh, như mình.

Truyện Nguyễn Nhật Ánh đơn giản, nhưng rất có hồn. Cái hồn ấy có khi chính là cái hồn của người đọc, của bất cứ người nào miễn là đang cầm trên tay và đọc câu chuyện ấy. Có cảm tưởng như bất cứ ai khi đọc cũng có thể nhìn thấy chính bản thân mình trong đó.

Còn nhớ đã nhiều lần ghé quán Đo Đo trên con đường Lương Hữu Khánh, Quận 1 để ăn món Canh cá tràu nấu chuối khế. Mỗi lần ghé như vậy, mình đều ngóc đầu đọc những câu chuyện dán trên tường do chính NNA viết. Mặc dù đọc xong và đến bây giờ trong đầu không nhớ một chút gì, nhưng vẫn biết đó là những câu chữ rất mộc mạc, giản dị, chân thành. Có lẽ không biết khi nào mới thôi không thích đọc truyện NNA, dù rằng có lớn thêm bao nhiêu tuổi nữa. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, cuốn sách vừa đủ dày để đọc mà không thấy “sao nó ít thế”. Cả cuốn sách là một câu chuyện dài, nhưng được ghép nối từ từng mảnh với nhau. Có thể là chuyện thằng Sơn, có thể là chuyện con Xin, con Mận, chú Đàn, hay Thằng Sơn “lại âm mưu”… Điểm chung của tất cả những câu chuyện này được thông qua lời kể của một thằng con trai, tên Thiều.

Thiều có đứa em trai rất dễ thương tên là Tường. Thằng Tường thương anh nó đến mức có thể làm bất cứ điều gì để anh hai của nó học. Với lý do “để cho anh hai học”, nó sẵn sàng làm tất cả mọi việc mẹ nó sai trong nhà mà không một chút oán than, mặc dù nó được miêu tả là trắng trẻo, đẹp trai, tóc mịn như tơ… Cái cách thằng Tường ngưỡng mộ anh hai nó (tức thằng Thiều) làm mình thấy thương. Nó có thể “trả thù” cho anh nó khi anh nó bị thằng Sơn ăn hiếp, thậm chí nó bị chính anh nó đánh đến chấn thương cột sống, nằm liệt giường. Thằng Tường coi vậy mà không phải vậy đâu…

Thật, đọc xong cuốn sách chẳng biết nói cái gì. Đơn giản là vì đọc xong thấy mọi thứ nó thấm vào trong người nhưng chẳng biết chảy đi đâu. Cũng chẳng biết cho nó chảy ra bằng cách nào, chỉ biết giữ chặt trong lòng vậy.

toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh-trailer-20150511152832Thích truyện Nguyễn Nhật Ánh ở từng con chữ. Thích cách Nguyễn Nhật Ánh khắc họa nhân vật của mình. Nhiều khi, không biết vì sao Nguyễn Nhật Ánh có thể thành công như thế, nếu như ông chưa từng là chính mình trong những cuốn sách đó.

Quay lại với câu hỏi ban đầu. Liệu trên đời này có tồn tại “một tuổi thơ lộng lẫy và đau đớn”? Tự mình trả lời thì thấy rằng cũng có thể. Ai mà chẳng có tuổi thơ, nhỉ? Có thể tuổi thơ đó vô cùng lộng lẫy, vì trải đầy hoa hồng, vì nhuốm đầy màu sắc tươi mát, nhưng cũng có thể tuổi thơ đen thui như… tiền đồ của một ai đó. (tiền đồ của chị Dậu chẳng hạn). Nhưng cho dù như thế nào, thì đọc NNA, cũng thấy váng vất một thời tuổi thơ mình trong đó.

Truyện có những câu chuyện vui, và tất nhiên, là cũng có những câu chuyện buồn, những câu chuyện đáng nhớ. Đáng nhớ như chuyện thằng Thiều (nhân vật tôi) thích táo (táo thuốc) nhà ông Xung (ba con Xin) đến mức phải ăn trộm, nhưng vì tủ thuốc đựng táo được ông Xung để trên cao, nên Thiều đã bị té. Hôm sau, vẫn lại qua nhà ông Xung ăn trộm, nhưng thấy tủ thuốc đựng táo được ông Xung di dời xuống phía dưới, thậm chí còn “vẽ đường cho hươu chạy” bằng cách ghi chữ “TÁO” thật to làm dấu cho thằng Thiều, ý nói: “Ông để ở dưới cho con dễ lấy mà khỏi bị té”… Chả hiểu sao, đọc đoạn này thì lại liên tưởng đến hình ảnh bạn Gấu Pooh dạng hai chân trên tủ bếp của sư phụ Shifu và bốc bánh ăn trong Kungfu Panda 1 haha 😀

Đây! Bạn Pooh ham ăn :D
Đây! Bạn Pooh ham ăn 😀

P/S: Bài viết từ hồi lâu lắm và lời cũng trẻ trâu lắm. Giờ không còn thích đến mức truyện nào của chú ấy ra cũng mua về đọc, nhưng, chỉ là post lại nhân dịp phim sắp ra 🙂 Với cả, giờ cũng biết đêm rớt là đêm gì rồi. Cứ chiếu theo nghĩa đen (có một chút bóng) mà hiểu thì đơn giản chỉ là màn đêm buông rớt xuống, sau thời khắc của một hoàng hôn vừa rơi lả tả haha.