Duyên phận gặp nữ thần sống (Living Goddess) Kumari

Mình và Kiên đã chuẩn bị bước ra khỏi ngôi đền Kumari thì Tuyển quay ngược trở lại nói “chú guider kêu 30p nữa em ấy sẽ xuất hiện đó.” Vậy là cả bọn đứng chờ trong sân nhà. Bất thình lình không thể nhận ra, một khuôn mặt trẻ thơ ló ra ngoài cửa sổ với một ánh mắt không thể nào quên nổi. Mình nhìn trân trân như bị hút vào ánh mắt đó khoảng 5-10s cho tới khi hai người trong đền nhắc “Be polite, say Namaste!” cùng biểu hiện chắp tay + cúi đầu. Cả bọn chắp tay, cúi đầu nói Namaste rồi lại ngẩng lên nhìn nữ thần sống Kumari. Chỉ 10s sau, kết thúc cái nhìn không chớp mắt và khuôn mặt không hề thay đổi biểu cảm, cô bé trong bộ trang phục màu đỏ, có vầng trán màu đỏ biến mất khỏi khung cửa sổ màu đỏ. Tới lúc đó, mình mới nhận ra rằng mọi người trong đền cũng đã nhắc “Don’t take any photo, please!

from NARENDRA SHRESTHA/EPA

Đây là lần thứ ba mình tới Nepal. Lần đầu chỉ hoàn toàn dành thời gian cho Kathmandu, Patan và Bhaktapur (có mang theo Lonely Plannet), lần hai chỉ ở Kathmandu có 1-2 ngày trước khi rời đi Pokhara để lên Mustang và lần này có ba ngày trọn vẹn ở Kathmandu nhưng chỉ có lần này mới được gặp mặt Kumari. Duyên phận bắt đầu tới từ việc trên máy bay đọc cuốn “Crowds, Colour, Chaos : Travels in India, Nepal, Sri Lanka and Bangladesh“. Cuốn sách có hai chương nói về Kathmandu, trong đó có một đoạn nói về nữ thần sống Kumari, nữ thần sống duy nhất trên Trái Đất với màu sắc đầy ma thuật – quá trình lựa chọn phải đưa cô bé mới ba bốn tuổi đối mặt với những thử thách ghê rợn như ở một mình giữa đám người cải trang ma quỷ nhảy múa trong phòng tối, ở một mình trong phòng đầy đầu bò/dê đẫm máu … Cũng đúng ra thì sẽ không có dư một ngày để thăm thêm Kathmandu nhưng do đi xuống núi nhanh hơn dự tính nên cuối cùng đoàn lại dư thêm một ngày. Vậy là quyết định sẽ thăm nốt Durbar Square ở Kathmandu. Đương nhiên, ấn tượng của cuốn sách đó vẫn còn nên địa điểm đầu tiên trong chuyên thăm Durbar Square là ngôi nhà của Kumari – Kumari Chen. Đúng lúc chuẩn bị ra về thì nữ thần sống xuất hiện. Duyên mà!

Ánh mắt đó thực sự ấn tượng tới mức ngay đêm hôm đó, mình lục hết ngóc ngách Internet để đọc về Kumari và cuối cùng quyết định mua thêm cuốn “The Living Goddess” của nữ nhà báo Isabella Tree để thỏa mãn sự tò mò của mình. Cuốn sách tuyệt vời gần 400 trang đã giải đáp quá nhiều thứ, không chỉ về nữ thần sống Kumari mà còn gần như lướt qua lại toàn bộ lịch sử đầy biến động của Nepal. Mình đọc liên tục cuốn sách này trong 5+2 tiếng bay máy bay và trong cả mấy ngày sau khi trở về từ Nepal. Đọc, để biết, và để lại có nhiều câu hỏi hơn nữa cho lần sau (nếu có duyên) quay lại Nepal.

Thực sự, sẽ là ngây thơ nếu cố gắng tóm tắt một cuốn sách 400 trang, viết trong vòng 13 năm về một nét văn hóa xuyên suốt lịch sử của một đất nước ảnh hưởng bởi hai trong số các tôn giáo lớn nhất thế giới là Hindu và Phật giáo. Vì vậy, mình sẽ cố gắng note lại một vài câu hỏi mà mình cho rằng có thể tóm gọn các thông tin sơ lược nhất về nữ thần sống Kumari để mọi người tham khảo.

[label type=”info”]Câu 1:[/label] Mức độ ảnh hưởng của nữ thần sống Kumari là như thế nào?

Có thể nói ngắn gọn, trong suốt lịch sử của Nepal, tất cả các vị vua Nepal đều phụ thuộc rất lớn vào việc có được Kumari ban phước (dấu tikka trên trán) hay không. Đặc biệt bắt đầu từ thế kỷ XVII, tất cả mọi người hàng năm đều dõi theo việc một ông vua Hindu có được một cô bé tới từ gia tộc Phật giáo Nepal với vai trò Kumari ban phước cho hay không. Không ai có quyền ép Kumari ban phước cho vua và nếu nhà vua không được ban phước, thường thì tai họa sẽ xảy ra với nhà vua ngay trong năm đó. Một ví dụ kinh điển là vào năm 1954, vua Tribhuvan (nếu bạn thấy tên này quen quen thì nó tên sân bay quốc tế ở Kathmandu) đã tới Kumari Chen để xin dấu tikka cùng hoàng tử Mahendra của mình. Kumari đã ban phước cho Mahendra nhưng nhất quyết không chịu ban dấu tikka cho nhà vua (ai cũng có thể thấy vì việc ra vào Kumari Chen là diễn ra công khai). Chỉ 6 tháng sau đó, nhà vua 49 tuổi Tribhuvan chết vì bệnh tim và hoàng tử Mahendra lên ngôi kế vị. Hoàng tử (nhà vua) này sau đó cũng chết trong một chuyến đi săn vào năm 1971, chỉ 4 tháng sau khi không kịp xuất hiện để xin dấu tikka vào lễ Kumari Jatra năm đó.

[label type=”info”]Câu 2:[/label] Có thật quá trình tuyển chọn Kumari rất kinh dị và kết cục của những cô gái sau khi rời vị trí này đều rất tệ, thậm chí là bị bán làm nô lệ tình dục hay không?

Để trả lời câu hỏi này, cần phải nói thêm một chút về Kumari. Kumari trong tiếng Nepal có nghĩa là ‘còn trinh/chưa lấy chồng’. Ý nghĩa này gắn liền với truyền thuyết tại sao nữ thần Taleju lại xuất hiện trong hình hài của một cô bé, trong đó kể rằng có một thời gian, nữ thần Taleju thường hay hóa thành một cô gái xinh đẹp ở tuổi trăng rằm, xuất hiện nói chuyện và chơi cờ với nhà vua trong cơn mơ. Đến một ngày, nhà vua động lòng phàm với nữ thần và nàng nổi giận, biến mất trước khi để lại lời nhắn với nhà vua rằng mình sẽ không quay lại và triều đại này cùng đất nước này (Nepal) sẽ bị diệt vong. Hối hận thực lòng, nhà vua làm lễ cầu xin nữ thần Taleju quay lại để bảo vệ Nepal. Cuối cùng, nữ thần ban cho nhà vua một đặc ân là sẽ xuất hiện để bảo hộ cho nhà vua và Nepal dưới hình hài của một cô gái nhỏ còn trinh, chưa từng chảy máu ở bất cứ chỗ nào. Cô gái này phải được sinh ra trong một gia đình thuần khiết. Nhà vua sẽ phải thờ phụng và kính trọng cô gái này như chính nữ thần Taleju. Cô gái đó chính là nữ thần sống Kumari.

Do vậy, ở tại Kathmandu các cô gái nhỏ (3-5 tuổi) tới từ dòng họ Sakya (dòng họ sinh ra Đức Phật Tất Đạt Đa) sẽ được tuyển chọn dựa trên một số tiêu chí về hình thể đặc biệt, cơ thể không có vết sẹo (do vợ/con gái của thầy tu khám) và đặc biệt là lá số tử vi phải phù hợp với lá số tử vi của nhà vua để trở thành Kumari. Sau khi trở thành Kumari, cô gái này sẽ được chuyển tới ở tại Kumari Chen, được chăm sóc bởi gia đình giữ đền, chỉ ra ngoài 15 ngày/năm để làm lễ và có giáo viên riêng tới dậy học hàng ngày. Trong 15 ngày ra khỏi ngôi đền của mình, cô gái đó sẽ không bao giờ chạm chân xuống đất, thường là được bố hoặc người giữ đền bế hoặc đi tới đâu sẽ được trải lụa tới đó. Tới khi có kinh hoặc bị bạo bệnh, Kumari sẽ được thay bởi một cô gái nhỏ khác đạt tiêu chuẩn trên.

Sau khi ‘miễn nhiệm’, Kumari sẽ được trở lại gia đình cũ của mình và có một cuộc sống bình thường, lấy chồng sinh con như mọi người khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc hòa nhập trở lại cuộc sống bình thường là khó khăn với đại đa số ex-Kumari bởi họ đã được thờ phụng và được chăm sóc cẩn thận quá lâu. Ngoài ra, việc xa bố mẹ đẻ từ bé và sống 6-8 năm trong đền ở thời điểm 4-12 tuổi khiến họ cảm thấy người giữ đền giống với bố mẹ của mình hơn là bố mẹ ruột. Hoàn toàn không có các quá trình tuyển chọn đầy ma thuật cũng như cuộc sống nô lệ tình dục sau khi trở thành nữ thần như đồn đại (ngay cả các báo VN dịch cũng thường tóm lấy các chi tiết này để viết không đúng)

from Wikipedia

[label type=”info”]Câu 3:[/label] Vậy là nữ thần sống Kumari sẽ được các thầy tu Hindu hay các nhà sư Phật giáo làm lễ và cúng tế? 

Dipak nói rằng, Nepal ba mặt bị kẹp bởi Ấn Độ, một mặt bị kẹp bởi những rặng núi cao từ phía Tây Tạng nhưng chưa từng bị thực dân đô hộ bao giờ (khác với Ấn – Anh). Cũng chính bởi lý do này, nếu Ấn Độ bị ảnh hưởng khá nhiều của Hồi giáo mà trong đó Taj Mahal chính là một đại biểu cực kỳ tráng lệ của các công trình Hồi giáo thì văn hóa Nepal có lẽ là một hôn phối hòa thuận giữa Hindu và Phật giáo. Và cũng bởi lý do đó, nói tới Kumari thì phải nói tới cả hai tôn giáo này.

Hindu thì khỏi phải nói rồi. Nữ thần sống Kumari ban phước cho nhà vua Hindu hàng năm, tham dự các lễ hội của người Hindu hàng năm. Xuyên suốt lịch sử Nepal, Kumari gắn liền với những nữ thần mạnh nhất của người Hindu, nữ thần Durga, nữ thần Taleju, nữ thần Kali … Ngay cả việc không được chảy máu cũng xuất phát từ niềm tin của người Hindu, bởi người Hindu tin rằng máu chứa sức mạnh của nữ thần.

Thế nhưng, con mắt thứ ba ở trên trán của Kumari có lẽ sẽ được tất cả mọi người nhận biết như là đôi mắt Buddha Eyes mà mọi người vẫn nhìn thấy trên các stupa Phật giáo tại Nepal. Có một câu nói đùa khá phổ biến ở Nepal là người Newar có 60% trong máu là Hindu và … 60% là Phật giáo. Cũng như vậy, lễ hàng ngày dành riêng cho nữ thần sống Kumari sẽ được thực hiện bởi hai người : một nhà sư của hoàng gia (Vajracharya) và một thầy tu thuộc tầng lớp Karmacharya từ phía Hindu. Tất cả các lễ này đều được thực hiện một cách bí mật nhưng theo một thể thức cực kỳ tôn trọng đối với nữ thần (được xác nhận bởi chính các ex-Kumari trong những lần phỏng vấn của tác giả).

[label type=”info”]Câu 4:[/label] Có phải bạn chỉ có thể gặp Kumari ở Kathmandu hay không?

Đây cũng là câu hỏi của tác giả Isabella Tree khi muốn tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của nữ thần sống ở Nepal. Lấy tâm là Kathmandu, tác giả đã được gặp Kumari ở Patan và Bhaktapur (chỉ cách Kathmandu 5 và 20km, tồn tại cùng một thời điểm như ba vương quốc dưới thời nhà Malla). Ở tại các địa điểm này, Kumari dường như bị lấn át bởi Kumari ở tại Kathmandu nên cũng không được thờ phụng (về mặt vật chất) tốt như là ở Kathmandu. Đi xa hơn nữa, tác giả phát hiện ra rằng có tới hơn 10 Kumari rải rác ở khắp thung lũng Kathmandu. Điều thú vị nhất theo cá nhân mình thấy là tác giả đã phát hiện ra rằng chính ở Kathmandu, nhà vua và hoàng gia đã cố gắng tìm cách để ‘sở hữu’ nữ thần sống Kumari nhiều hơn cho các mục đích riêng của bản thân mình. Tuy vậy, nữ thần là của người dân (một điểm khá hay) và nhà vua dù muốn hay không cũng không thể mang nữ thần vào trong cung kè kè bên mình được. Do vậy, Kumari Chen (ngôi nhà của Kumari) mới được xây sát với cung vua và các ngôi đền chính nhưng vẫn được mở cửa cho khách du lịch và mọi người dân. Tuy nhiên, nhà vua và hoàng gia luôn được ưu tiên trong các ngày lễ cũng như bất cứ lúc nào họ cần (một dạng ưu tiên đặc biệt).

[label type=”info”]Câu 5:[/label] Vậy mọi chuyện ra sao sau khi Nepal không còn vua nữa?

Một cái duyên khi quay lại vào năm 2018 là năm vừa tròn một thập kỷ ông vua Hindu cuối cùng trên thế giới phải nhường lại quyền lực cho một chính phủ dân chủ hơn – do dân bầu ra. Và như mọi người thấy, mình và các bạn vẫn được gặp nữ thần sống Kumari. Nếu duyên hơn nữa, đúng ra bọn mình đã có thể tham gia một trong những lễ hội lớn nhất của người Hindu – lễ hội Dashain cũng như chứng kiến sự xuất hiện trước công chúng của Kumari.

Như vậy, nữ thần sống Kumari vẫn tồn tại, ít nhất là với khách du lịch và người dân Nepal. Nhưng rõ ràng, Kumari là nữ thần bảo vệ cho vương quốc và cho nhà vua của Nepal. Vậy thì sau vua, ví dụ thủ tướng, nữ thần có ban dấu tikka cho ngài hay không?

Chương cuối cuốn sách của mình, Isabella nói mô tả khá chi tiết về quá trình sụp đổ của nhà vua cuối cùng – vua Gyanendra. Quá trình sụp đổ này không diễn ra trong một vài ngày mà là trong một vài năm, và năm nào dân chúng cũng tò mò xem Gyanendra có được ban tikka từ Kumari hay không và thật quái lạ, ông ta vẫn được ban dấu tikka. Không có một dấu hiệu xấu nào báo hiệu sự sụp đổ? Thế nhưng, chính ông ta đã tạo ra dấu hiệu này bằng cách không về tham dự kịp lễ hội của nữ thần sống Kumari.

Một điều kỳ lạ tương tự, thủ tướng Girija Prasad Koirala của Nepal đã phát biểu phủ nhận giá trị của Indra Jatra trong ngày đầu tiên của lễ hội. Thế nhưng, vào 21.15 phút ngày 30/9/2007, ông ta đã tiến vào Kumari Chen để nhận một dấu tikka trước mắt đám đông vây quanh đền. Lẳng lặng sau đó một vài tiếng, nhà vua cũng đã tới Kumari Chen để xin được dấu tikka của mình. Sau đó, người ta nói rằng Kumari đã ban dấu tikka cho thủ tướng bằng tay phải và dành sức mạnh của mình để ban tiếp một dấu tikka cho nhà vua bằng tay trái.

2008, Nepal chính thức có một thể chế chính phủ mới, không phụ thuộc vào nhà vua. Dường như, Kumari vẫn ở đó, cách này hay cách khác, thay mặt các nữ thần bảo vệ cho đất nước này.


Đã quá dài nên mình không muốn viết thêm, dù còn nhiều chi tiết nho nhỏ như vậy thì Kumari có bảo vệ được Nepal khỏi động đất hay không? (Những người coi đền ở Patan nói rằng Kumari có rất nhiều biểu hiện khó chịu trước mỗi biến cố xảy ra cho Nepal, đặc biệt là khi động đất) Thực khó trả lời nhưng ít nhất thì ở Durbar Square, Kumari Chen là một trong số ít ngôi đền giữ được nguyên vẹn không suy chuyển sau trận động đất 7.8 độ Richter năm 2015. Và rồi nếu Kumari cười với ai, người đó sẽ chết… Rồi thì không phải ai cũng được phép xin tikka từ Kumari nếu không đạt một số tiêu chuẩn nhất định, nên câu hỏi sẽ là nếu ngài thủ tướng tiếp theo không đạt được các tiêu chuẩn này thì sao? Rất nhiều, rất nhiều câu hỏi.

Ngày hôm nay, cà phê tám dóc với những người bạn du lịch (gọi vậy đi). Mình nói thực ra chẳng biết tại sao mình lại quyết định đi Langtang, giống như chữ Langtang nó tự bật ra trong đầu khi bạn cùng nhóm hỏi vậy chính xác mình sẽ đi đâu ở Nepal. Molo mới đính chính rằng Molo đã nói cách đây 18 tháng, sau Mustang, mình nên đi Langtang vì đó là Thủ phủ của cần. Đúng là trên đường mình gặp một rừng cần, người dân không được xài nhưng cũng được phép trồng làm cảnh nếu thích. Vậy là chữ Duyên cho cả một chuyến đi, vì cho dù trong cả chuyến đi mình không quan tâm lắm đến cần của Nepal thì lại được thưởng ngoạn một phong cảnh phải nói là cực kỳ tuyệt vời của Langtang + được chạm mặt nữ thần sống Kumari.

Disclaimer : Mình có thể viết sai một vài chỗ vì giới hạn hiểu biết, cũng có thể viết chưa đủ một vài chỗ vì lý do tương tự. Hoặc bạn bổ sung, hoặc bạn cứ nêu câu hỏi, mình sẽ cố gắng tìm thông tin để bổ sung nhé. Toàn bộ ảnh Kumari đều là ảnh của người khác, vì mình không được chụp ảnh nữ thần khi gặp trong đền.