Đừng ăn cá ở Kathmandu (phần 2)

Năm 1768 đánh dấu sự thống nhất của một Nepal mới, to hơn, rộng hơn và đẫm máu hơn. Xem lại danh sách động đất tại Nepal từ năm đó tới nay thì thấy cứ khoảng 30 năm lại có một trận động đất. Nhẹ thì cũng 6 độ Richter, nặng thì 8.4 độ. Nói không quá thì cứ ở loanh quanh Kathmandu thể nào cũng có một lần trong đời sẽ biết mùi động đất ra sao 🙁

“Forget Kathmandu” bắt đầu bằng cuộc thảm sát trong hoàng cung Nepal tháng sáu năm 2001. Viết bởi một tác giả tự nhận mình thuộc tầng lớp tiểu tư sản sống tại Kathmandu trong khoảng thời gian đó, cuốn sách mở ra một Nepal khác bằng việc mô tả sự ngạc nhiên và tò mò của dân chúng (nhiều hơn là hoảng hốt) khi nghe tin vua, hoàng hậu cùng nhiều thành viên trong hoàng gia đã bị bắn hạ bởi một thành viên khác trong hoàng gia sau bữa ăn tối. Người được coi là thủ phạm, cháu của vua cũng đã tự bắn chết mình sau đó vài phút ở trong vườn. Người này trước đó đã say xỉn và về phòng của mình trong trạng thái không đứng vững nhưng chỉ sau đó mấy chục phút lại được coi là đã thay quần áo chỉnh tề, rút hai khẩu súng ra hạ gục từng người một trong gia đình mình với khuôn mặt lạnh lùng. Chỉ đơn giản vì một lời đồn rằng nếu anh ta lấy vợ trước 40 tuổi, nhà vua đương thời sẽ chết sớm (mà chết thật), trong khi anh này có người yêu mấy năm rồi và còn tận mấy năm nữa mới tới 40 tuổi.

“Forget Kathmandu” kết thúc bằng câu nói của một người mẹ Nepal đã mất đi hai đứa con trai trong những cuộc va chạm giữa các phe phái khác nhau suốt thế kỷ XX-XXI. Bà sống trên núi với cháu và con gái, nhắc đi nhắc lại “My truth has been destroyed. My truth, my life has been destroyed. My truth has been destroyed.” Bởi vì, chẳng ai biết điều gì thực sự xảy ra trong hoàng cung. Cả mấy thế kỷ nay, người dân chẳng ai biết sự thực.

Langta range

Núi khuất sau mây ở Nagarkot, nhất định không chịu thò mặt ra sau 2h đi xe bus từ Bhaktapur + 1h leo từ bến xe lên trạm quan sát thì lại hiện ra bất ngờ khi chúng tôi đang ngồi trên máy bay từ Kathmandu tới … Calcuta (do khủng hoảng xăng nên máy bay phải đổ xăng tại Calcuta trước khi bay về KL). Trong 14 đỉnh núi cao nhất thế giới (trên 8000m) thì Nepal đã có tới 8 đỉnh và dường như vẫn còn tiếp tục cao lên nữa (lý do gây ra động đất là đây). Người Nepal sống bằng du lịch tự hào về điều này, còn nhiều người khác cũng vì điều này mà mất nhà mất cửa vì động đất. Thay vì bỏ ra 200USD đi Mountain Flight ngắm núi thì núi lại hiện ra bất ngờ khi đang bay ra khỏi Nepal. Coi như đó là một lời hẹn ước cho chuyến đi tới!

Năm 1850 có thể coi là năm bản lề của Nepal. Năm đó dưới triều đại của một ông vua điên, có một ông tướng của quốc gia nghèo này đi tour châu Âu. Tên ông tướng đó là Jung Bahadur Kunwar, người sau khi tiêu hết một đống tiền ở châu Âu đã quyết định học theo Napoleon để tự phong cho mình chức ‘Maharaja’, một chức vụ chả biết được gọi là Đại Tướng, Tổng Thống hay gì nữa, chỉ biết là có nhiều quyền lực hơn vua. Mà ông vua lúc đó thì bị điên mà, yêu cầu cái gì ông đó chả đồng ý?

DSCF6313

Nếu mà chế độ Vua – Maharaja tồn tại song song dai dẳng hơn một thế kỷ thì nhìn vào Phật Giáo ở Nepal, người ta còn thấy nhiều sự song song hơn nữa. Phật giáo Nepal bị ảnh hưởng nhiều từ Phật giáo Tây Tạng (với các cuộc kết hôn giữa vua và công chúa Nepal), bị pha lẫn với Hindu giáo tạo ra tới 3 trường phái chính : Tibetan Buddhism, Newar Buddhism và Theravada Buddhism. Đợt đi Kathmandu lần này, mình có được ghé thăm Swayambhunath – đại diện cho Newar Buddhism và Boudhanath – đại diện cho Tibetan Buddhism. Đợt đó đi cũng thấy biểu tượng Dorje Vajra ở khắp nơi, đặc biệt là trong sân nhà của các khu dân cư. Sáng sáng người ta đi qua, chạm nhẹ trán lên biểu tượng này và cầu an trước khi ra khỏi nhà. Không dám viết gì nhiều bởi chẳng hiểu gì, chỉ muốn mang ra đây để nói tiếp chuyện mọi thứ cứ tồn tại song song, nhiều chiều ở Nepal.

Trên là Trung Quốc, dưới là Ấn Độ, lại xuất khẩu lính cho Anh quốc. Tôn giáo chính là Hindu nhưng lại là nơi sinh ra của Phật Tổ, mang trong mình nhiều thánh địa của Phật Giáo. Thế kỷ XX là thế kỷ đan xen giữa quân chủ (vua) lẫn khao khát có một nền dân chủ lành mạnh. Cuộc thảm sát nhà vua năm 2001 khiến cho người đọc (là mình) có cảm giác như đang đi trong một Mandala, lớp trong là hoàng cung ở Kathmandu, lớp ngoài là thế hệ dân chúng cũ mới ở Kathmandu và lớp ngoài cùng là những người sống ở miền núi, ở xa Kathmandu. Ba lớp này kết nối với nhau bằng tôn giáo, bằng luật pháp, bằng nghèo đói, bằng máu. Trong khi đó, thế giới vẫn tiếp tục tới Nepal để … leo núi và nhanh chóng trở về … viết hồi ký.

Garden of Dreams

Không leo núi, đã đi tu viện, đi đền của người Hindu, vậy thì cần phải hưởng thụ nốt khu Thamel – khu buôn bán và là thiên đường của dân Hippies những năm 1970.

[quote cite=”Cat Stevens”]Katmandu, I’ll soon be seein’ you

And your strange bewilderin’ time

Will keep me home …[/quote]

Ngoài việc đi dạo lòng vòng uống cafe ở khu Thamel, chúng tôi ghé Garden of Dreams và một vài quán nhạc Rock (hát live) nổi tiếng ở Thamel. Nếu Garden of Dreams gây ấn tượng bởi menu đồ ăn siêu mắc và việc trai gái Nepal trải thảm ôm nhau tình tứ ngay giữa chốn công cộng thì quán nhạc Rock ở Thamel lại siêu rẻ. Hai người nghe nhạc live, uống mỗi người một ly cocktail hết chưa tới 10USD. Tuy vậy, quán vắng rất sớm, chỉ 10h là mọi người đã lục đục đi về rồi. Tự hỏi không biết có phải do hết xăng nên mọi người đi bộ tới bar và cũng phải đi bộ về nhà nên về sớm hay không?

Ngày cuối quay lại Siphan trước khi ra sân bay với 10 phút đi xe ô tô hết 15 USD (thay vì đi bus 2h chỉ mất có 2USD). Cuối cùng cũng thấy món cá (Fish & Chip) bán ở sân bay, mừng húm gọi và sau đó thì cố mà ăn cho hết vì quá dở. Ngày cuối cũng là ngày đọc xong “Forget Kathmandu” với trà Masala Tea nóng và thơm mùi quế ở ngoài vỉa hè.

Kathmandu trộn lẫn đủ mọi cảm giác. Yên bình, dễ thương, người dân hiền lành và sùng đạo. Ở đâu đó bên trong hoàng cung/chính phủ có mùi tanh nhưng bên ngoài thì mùi trà quế/hồi với sữa lại cực kỳ quyến rũ. Bạn sẽ chỉ muốn chạy trốn ngay tức khắc nếu bỗng dưng ngửi thấy mùi đốt xác (của người không có đủ tiền mua gỗ thơm) nhưng sẽ lại cứ muốn kéo dài khoảnh khắc lang thang đi bộ trèo lên tu viện để rồi có thể nhìn thấy toàn bộ thung lũng Kathmandu mờ mờ sương khói. Sẽ còn quay lại ít nhất một chuyến để đi leo núi tới Mustang, đi tới vòng ngoài cùng của Mandala Nepal rộng lớn để gặp những người khác, nhìn những thứ khác, ngửi những mùi khác. Ai biết rồi, ở cái thế giới mà mâu thuẫn cứ tồn tại song song với nhau, xoắn với nhau như biểu tượng Dorje Vajra thì một lúc nào đó mình sẽ có thể lại ăn được một món cá cho ra hồn ở Kathmandu?

P/S : ở Thamel, ở Patan hay ở Bhaktapur chúng tôi đều được nghe một đĩa nhạc demo rất êm dịu. Ngó nghiêng mới biết đó là nhạc của Stanam Kaur, một ca sỹ người Mỹ gốc Á. Rất thư giãn, nhưng rồi lại cũng không phải là nhạc Nepal thực sự. Nepal thực sự, ở đâu?

[youtube_advanced url=”https://www.youtube.com/watch?v=c1XCS0g6J4A” autoplay=”yes” loop=”yes” rel=”no” fs=”no”]