Đừng ăn cá ở Kathmandu (Phần 1)

Chuyến đi tới Nepal là một chuyến đi không hề có sự chuẩn bị nào cả. Thậm chí đi du lịch bao nhiêu lần rồi nhưng book vé còn sai, tốn mất gần 100$ để sửa sai. Và đi Nepal cũng không phải để leo núi như phần lớn mọi người khác. Vậy nên, cứ gọi là đi Kathmandu cho nó chính xác.

Transit ở KL mất hơn 4h đồng hồ, cuối cùng cũng hạ cánh được xuống sân bay Tribhuvan (sân bay mang tên một ông vua). Làm đủ mọi thứ giấy tờ visa như mọi người vẫn làm, bắt taxi về Siphan (nằm giữa sân bay và Thamel) với giá gấp đôi bình thường. Cái hay nhất là trước khi đi về nhà (thuê trên Airbnb) thì đã nhận được email hướng dẫn kỹ lưỡng, kèm theo một lời dặn dò : đang thiếu xăng, đang ở trong trạng thái “very problem!” Về tới Siphan cũng đã 11h đêm, Internet chập chờn, đi ngủ. À, mà trước khi đi ngủ còn kịp nhìn đồng hồ và lẩm bẩm về sự biến thái của múi giờ Nepal + Trung Quốc, hai quốc gia gần nhau. Giờ Nepal là một trong ba múi giờ lệch x:45 phút so với múi giờ tiêu chuẩn (chính xác là +5:45 so với UTC).

Sáng hôm sau tỉnh dậy bắt đầu cuộc hành trình đi bộ dài dằng dẵng. Nói như chú Pashan chủ nhà, hết xăng thì không khí trong lành, ít ô nhiễm, đi bộ đi cho khoẻ mày ơi. Đi bộ qua đền thiêng Pashupatinath của người theo đạo Hindu (một trong các Di sản văn hoá thế giới của Nepal) thì không được vào, đành phải đi ra Ghat bên cạnh đền ngồi ngắm dân tình.

[spoiler title=”Kiến trúc của Pashupatinath” icon=”chevron” anchor=”Pashupatinath”]Kiến trúc của Pashupatinath cũng giống như kiến trúc của hàng ngàn ngôi đền khác ở Nepal được xây theo kiến trúc của Chùa – được coi là bị ảnh hưởng từ Trung Quốc/Mông Cổ do kiến trúc sư trưởng Arniko tạo ra.[/spoiler]

Pashupatinath Ghat

Cũng đã từng viết về Ghat (bến sông, nơi tụ tập của bà con, một điểm văn hoá vừa linh thiêng, vừa bình dân) nên không viết về Ghat nữa. Ghat ở Nepal cũng giống ở Ấn Độ, đặc biệt là Ghat ở đền thiêng thì không thể không … đốt xác rồi. Hỏi ra thì chỉ sau khi chết 15p là sẽ được mang ra Ghat, bình dân thì mất khoảng 100-300 USD cho một lần đốt xác. Hồi xưa, chỉ có hoàng gia mới được đốt xác ngay ở cửa đền còn bây giờ hết vua rồi nên cứ 500-1000 USD là có thể đốt xác trước cửa đền.

Điều duy nhất khác biệt so với lần đi Ấn Độ là đã lặng lẽ quan sát phần đầu của một buổi đốt xác. Người ra đi là ông bố, trước khi đốt thì ba ông con trai phải cởi trần đứng quanh xác của ông bố làm một nghi lễ gì đó. Mình không biết rõ nghi lễ, không biết họ làm gì, nhưng nhìn cách họ ‘đối diện’ với ông bố lần cuối thì nghĩ rằng “Ừ thì có thể yêu thương, có thể ghét bỏ, có thể có mâu thuẫn anh em/bố con nhưng cuối cùng nghĩa tử là nghĩa tận, họ vẫn đối mặt được với nhau và đưa tiễn nhau lần cuối.”

Ở lại xem đốt xác cả mấy tiếng đồng hồ thì để làm gì? Thành kính phân ưu, đi ra khỏi đền và bắt đầu cuộc đi bộ tới Patan. 10h sáng bắt đầu đi, khoảng 8km mà cũng phải hơn 12h mới tới nơi, tìm mãi mới được khách sạn. Ở Patan mới thấy rõ được cảnh thiếu xăng là như thế nào. Xe máy xếp hàng qua đêm dài tới 4-5km, từ ngoài vào tới trung tâm. Hưởng thụ văn hoá Patan một ngày một đêm, quyết định bắt xe bus tiếp đi tới Bhaktapur (ấn tượng nhất ở Patan là quảng trường và bảo tàng). Đi taxi từ Patan tới Bhaktapur chắc cũng chưa tới 20km mà đòi 70USD, trong khi hai thằng bắt xe bus đi chật chội xíu thì chỉ mất có 2USD/người.

Xếp hàng mua xăng ở Patan - Nepal
Xếp hàng mua xăng ở Patan – Nepal

Người Nepal thường tự chế giễu nhau về những gì mà thế giới nhìn vào họ. Này thì họ có nhiều đỉnh núi cao nhất thế giới nhưng thực ra những đỉnh núi được tạo ra từ việc Ấn Độ tách ra khỏi châu Phi và đâm vào châu Á đánh bùm một phát từ triệu triệu năm trước nào có liên quan tới bàn tay của họ đâu? Mãi tới thế kỷ XX người Nepal mới nói với thế giới rằng đây là đất nước nơi Phật Tổ đã sinh ra (vườn Lâm Tỳ Ni – Lumbini) thì thực ra chỗ đó lại là ở vương quốc Sakya – vương quốc giáp biên giới Ấn Độ và chẳng liên quan gì tới thung lũng Kathmandu cả. Cũng tại đất nước nơi Phật Tổ sinh ra này, giống như ở Ấn Độ nơi ngài đã đắc đạo thì đạo Hindu mới thực sự là tôn giáo thống trị. Rồi việc họ không bị đất nước nào thống trị cả nhưng ít ai biết họ đã cung cấp bao nhiêu binh lính (Gurkha) cho đế quốc Anh để đổi lấy tự do nửa vời trong thế kỷ XX? Và rồi, có bao nhiêu người Nepal đang phải sống nhờ việc cười với những người khách leo núi đi qua trước mặt họ hàng ngày?

Sau triều đại Lichhavis, thung lũng Kathmandu được thống trị bởi các vị vua nhà Malla. Năm 1482, ba vương quốc độc lập được tạo ra – Kantipur (bây giờ là Kathmandu), Patan và Bhadgaon (Bhaktapur). Sau đó, tới năm 1786, một vị vua của một vương quốc khác ở trên núi nhờ việc đi tới Benares (Ấn Độ) để mua súng đã thắng được cả 3 ông vua này và chính thức thiết lập vương triều đầu tiên của mình ở Nepal. Lúc đó, Kathmandu được chọn là trung tâm hành chính. [spoiler title=”Truyền thuyết về Kathmandu ” icon=”plus-circle” anchor=”Kathmandu”]Theo truyền thuyết, một nhà sư Tây Tạng có tên là Manjushree đã tới Kathmandu khi vùng này còn là một biển hồ lớn với rất nhiều hoa sen khoe sắc trên mặt hồ. Manjushree tìm thấy ở đó một bông sen sáng chói giữa hồ – vật mà ông ta tới để tìm. Ông ta đã cắt cành sen đó mang đi, làm cho nước hồ rút đi nhanh chóng và thung lũng Kathmandu hiện ra.

Truyền thuyết cũng kể rằng ngay sau khi nước hồ rút đi, bông sen hiện thân cho Phật Tổ trước khi bị mang đi còn để lại dấu ấn của mình tại ngôi đền Swanbhunath (dân địa phương gọi là Swayambhu). Ngôi đền này ngày nay trở thành một trong những thánh địa hành hương nổi tiếng của Phật tử.

[/spoiler]

Pottery Square - Bhaktapur

Ngày nay, để vào được Bhaktapur thì bạn phải mua vé (mua vé một lần và nói rõ bạn ở lại bao nhiêu đêm). Đây cũng là điểm bị phá hoại nặng nề nhất sau cơn động đất kinh hoàng năm 2014 2015. Dựng trước quảng trường, đền đài khá nhiều tấm ảnh Before/After để giúp người đi du lịch hiểu rõ họ thực ra có thể nhìn thấy cái gì. Ở chỗ khác, ví dụ Thamel, dân địa phương cũng nói ồ thần linh phù hộ chúng tôi đó nên ở đây sập có xíu, anh cứ nhìn Bhaktapur ấy, sập hết cả rồi T_T

Nepal cũng giống Ấn Độ, không ăn bò (đạo Hindu thờ), không ăn lợn (đạo Hồi ghét), chỉ ăn gà. Ở Ấn Độ còn có biển, Nepal thì cao ít nhất cũng là 2000m so với mặt nước biển nên chẳng buồn ăn cá. Chúng tôi có thấy cá bán ngoài chợ, nhưng tuyệt nhiên trong menu đồ ăn ở nhà hàng không hề có món cá nào cả.

Ở Bhaktapur hai đêm cũng có mấy chuyện để nói. Đầu tiên là sữa chua Juju Dhau (theo tiếng Nepal là King of Yogurt) siêu đặc, siêu ngon. Sữa chua bình thường mình ăn thường được làm từ sữa bò thì Juju Dhau được làm từ sữa trâu (Buffalo), sánh, béo, túm lại là ngon tuyệt cú mèo. Chuyện thứ hai là bò lên Nagarkot để nhìn núi Everest mà không gặp, cũng coi như là thiếu duyên có chủ đích vì cũng chẳng định đi leo núi. Chuyện cuối là đền thờ Shiva có minh hoạ … Kamasutra. Ngay trước cửa khách sạn!

Shiva - Kamasutra - Temple - Nepal

Thần Shiva thường được biểu hiện dưới hình dạng của Linga – tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam. Lý do thì có thể là do thần Shiva là thần bao trùm : sáng tạo, hiện thân và tiêu huỷ. Còn tại sao ở đền thờ thần Shiva lại có hình minh hoạ Kamasutra thì có lẽ lý do cũng không rõ ràng. Có giả thuyết cho rằng để tới được với thần, bạn phải rũ bỏ tất cả vật chất (không quần áo – khoả thân) + tinh thần (trong sạch, bỏ qua sân si dục vọng bên ngoài). Cũng lại có giả thuyết cho rằng vì một lý do gì đó, những đền thờ có minh hoạ Kamasutra được các thần bảo vệ nhiều hơn các đền thờ khác. Mà ở cái đất cứ mấy chục năm lại động đất một lần, được thần bảo vệ là mừng lắm rồi. Lúc ấy trong đầu chỉ đặt ra câu hỏi nếu phải dựng lại đền thì hy vọng các bạn vẫn còn thợ lành nghề để đục đẽo tượng cho chuẩn, không như ở quê nhà Việt Nam giờ đền chùa thành xi măng hết cả rồi.

Đừng ăn cá ở Kathmandu, bởi đúng là có cá thật nhưng sẽ không ai nấu cho bạn ăn cả. Thay vì đó, hãy tập ăn gà, ăn dê, ăn bột, ăn sữa chua và ăn chay. Người Nepal chỉ ăn hai bữa chính là sáng và tối, ban ngày họ chỉ ăn nhẹ snack nếu đói. Mấy ngày loanh quanh ở Patan + Bhaktapur ngoài ấn tượng với chuyện xếp hàng thâu đêm mua xăng, đâu đó cứ có cảm giác quẩn quanh về câu hỏi vậy ngoài du lịch người ta sống bằng gì? Rồi họ ăn như ăn chay vậy mà leo núi kinh khủng. Đâu đó một cảm giác quẩn quanh nhưng yên bình hơn Ấn Độ rất nhiều.

Cho tới khi quay về Thamel, rẽ vào nhà sách và chọn đại mua cuốn “Forget Kathmandu” rồi say mê nghiền ngẫm trong mấy ngày ở Thamel – một cuốn sách nói về 11 đời ông vua Nepal chỉ toàn máu và máu. Chợt bắt đầu hiểu hơn cụm từ “very problem” của Pashan nói trong email trước khi tới Nepal là gì…

Phần 2