Bắc Ấn : Sông Hằng linh thiêng và thành phố thánh thần Varanasi

Rest In Truly Peace

Nếu câu chuyện về New Delhi – Agra là câu chuyện của những công trình Hồi giáo đầy ấn tượng trong thời Mughal thì Varanasi lại là câu chuyện của những người Hindu. Thế nhưng, để nói về câu chuyện của những người Hindu thì cần phải chép lại một câu chuyện khác vào năm 1996 như sau :

Khi Ấn Độ kỷ niệm ngày độc lập lần thứ 49 của mình (thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh) vào năm 1996, thủ tướng Ấn Độ lúc đó là ông Deve Gowda đã đứng tại bờ thành của pháo đài Red Fort được xây dựng từ thế kỷ 16 để đọc bài diễn văn bằng tiếng Hindi, tiếng của người Ấn. Tám vị thủ tướng trước đây cũng đã từng đọc 48 bài diễn văn tương tự như Deve Gowda đang làm, nhưng chỉ có một điều khác là thủ tướng Deve Gowda vốn là một người phía Nam (vùng Karnataka) không hề biết một chữ Hindi nào cả. Truyền thống và cả các nghi lễ chính trị đòi hòi ông phải đọc diễn văn bằng tiếng Hindi nên Deve Gowda đã đọc từng từ một trong bài diễn văn của mình được phiên âm ra theo tiếng Kannada, thứ tiếng mà thủ tướng có thể hiểu được.

the Elephant, the Tiger & the Cellphone

Điều này chỉ dẫn giải cho một sự thật duy nhất rằng bạn rất khó để làm phai nhạt truyền thống của Ấn Độ, cho dù là bạn sử dụng cây gậy hay củ cà rốt hay thậm chí là cả hai môn phối hợp một lúc. Đạo Hồi và người Anh đã chẳng làm gì được họ đấy thôi. Có lẽ cũng chỉ có Ấn Độ mới có thể có một ngài thủ tướng vì tuân theo truyền thống đã chấp nhận đọc một bài diễn văn mà không hiểu mình đang đọc gì. Kỳ lạ nữa, bài diễn văn được phát trực tiếp đó cũng chỉ có hơn 50% người dân Ấn Độ là hiểu được, cho dù gần 85% dân số của đất nước 1 tỷ dân này coi mình là người Hindu.

————————————————————–

Gần ba ngày ở Varanasi là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, đáng nhớ nhất trong chuyến đi này. Nếu Agra với Taj Mahal khiến người ta phải kính cẩn im lặng mà ngưỡng mộ thì Varanasi trong buổi sáng đầu tiên chắc chắn sẽ làm mọi giác quan của bạn phải lao động hết sức. Nhất là khi chúng tôi may mắn đến Varanasi vào đúng ba ngày lễ hội Basant Panchami, lễ hội dành cho nữ thần Saraswati, nữ thần của tri thức, âm nhạc và nghệ thuật. Từng đoàn người rước tượng của Saraswati trên đường, hò hét, nhảy múa, đưa tượng của nữ thần xuống sông Hằng và … thả tùm tượng nữ thần xuống sông trong vẻ mặt hạnh phúc.

Cleaning all the sins with Holy water of the Ganges

Báu vật của Varanasi là các Ghat. Thế nhưng, để định nghĩa rõ ràng Ghat là gì thực sự là khó. Về mặt vật chất, Ghat là các bãi sông được xây dựng thành hình bậc thang bằng đá hoặc xi măng để người dân có thể đi ra sông và thực hiện các hành động thông thường như giặt quần áo cho tới các lễ nghi tôn giáo. Về mặt tinh thần, Ghat có lẽ là điểm nối giữa cơ thể và tâm hồn của mỗi một người dân Ấn Độ. Có hơn 100 Ghat dọc bờ sông Hằng tại thành phố Varanasi, trong đó mỗi Ghat lại có một chức năng khác nhau và một ý nghĩa khác nhau.

Sông Hằng có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người Ấn Độ, đặc biệt là những người Hindu. Được nhắc tới trong kinh Vệ Đà (Rig-Veda), văn bản cổ nhất của người Hindu, đây là con sông thiêng liêng mà mỗi người Hindu cần phải được tắm ít nhất một lần trong đời. Không chỉ tắm, những gì thiêng liêng nhất của người Hindu cũng thường được diễn ra với sự chứng giám của sông Hằng, từ lúc sinh ra, cưới vợ, cưới chồng cho tới lúc ngay cả lúc chết đi, đốt xác và được rải tro xuống sông Hằng.

Preparing flower dishes to worship

Buổi chiều ngày đầu tiên, cũng giống như những khách du lịch khác, chúng tôi thuê thuyền đi dọc sông Hằng để ngắm các Ghat vào hoàng hôn. Ngắm những người đi lại với đủ màu sắc khác nhau, ngắm những thuyền chở tượng nữ thần Saraswati ra sông để thả, im lặng ngắm nhìn những thân thể đã chết được quấn chặt bằng sari trên dàn thiêu và rồi thả từng đĩa hoa có thắp nến xuống sông Hằng để cầu mong bình an cho người thân. Lonely Planet, phần Varanasi có một đoạn nói về dự án làm sạch sông Hằng đã đưa ra con số được những người đứng đầu dự án công bố về mức độ ô nhiễm mà người dân gây ra cho sông Hằng : chỉ có 5%. Phần nhiều còn lại (95%) không phải trực tiếp từ người dân mà là từ việc chính phủ cho phép đổ nước thải vô tội vạ từ rất nhiều thành phố khác nhau xuống thẳng sông Hằng. Thế nên, đừng nói rằng việc đốt xác và thả tro xuống sông là gây ô nhiễm, hoặc nặng hơn, là man rợ, là không văn minh. Ở thành phố Hà Nội xinh đẹp và văn minh của chúng ta, sắp tới nếu bạn khi chết đi vẫn muốn ở lại bên trong thành phố, bạn cũng sẽ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là hỏa táng bởi nghĩa trang Văn Điển cũng không cho phép thực hiện hung táng nữa.

Peaceful morning with Ganges River

Ngắm Ghat vào lúc hoàng hôn đã đẹp thì ngắm Ghat vào lúc bình minh còn đẹp hơn 3 lần (theo ý kiến của riêng tôi). Buổi sáng trong trẻo, thanh bình và thuần khiết cộng với việc hướng mặt trời mọc đối diện với các Ghat đã khiến cho từng bậc đá thiêng của người Hindu trở nên long lanh hơn. Nếu có cơ hội, nhất định bạn nên thử đi thuyền trên sông Hằng vào cả lúc bình minh lẫn lúc hoàng hôn để tự mình trải nghiệm và so sánh cảm giác.

————————————————————–

Nếu việc uống Chai ở Taj Mahal mang lại cho bạn một cảm giác thanh bình thì ngồi giữa một Ghat nào đó, uống một cốc Chai nóng đầy mùi gừng và hồi sẽ khiến bạn cảm nhận được rõ ràng sự giàu có trong văn hóa Ấn Độ. Tại Pandhey Ghat có một cửa hàng nhỏ của hai anh em bán Chai và cho thuê thuyền (quán tên là No Problem, Pakalu Tea & Boat). Chai ở đây được đun khá kỹ, giá rẻ và Ghat này cũng là Ghat nhỏ nên có rất nhiều các bạn “Tây Tàu Nhật” ngồi ở đây. Văn hóa gì, đạo gì hay không theo đạo gì cũng mặc, tất cả ngồi vì Chai ngon và cảnh sông Hằng đẹp, vậy thôi.

Rời cửa hàng nhỏ sau khi nhấm nháp hai cốc Chai đặc biệt (là cốc chai không pha nước, đắt hơn có … 1 Rupee/cốc), chúng tôi tìm tới Brown Bread Bakery, nơi có rất nhiều loại bánh rẻ, ngon và quan trọng hơn, nó hoạt động với mục đích dùng lợi nhuận để hỗ trợ cho các công tác xã hội phi chính phủ. Tại đây, chén trà (Chai) lại là cách để mở đầu câu chuyện với hai bác nhạc công già chuẩn bị biểu diễn tại quán. Có thể Varanasi một lúc nào đó làm cho mọi giác quan của bạn trở nên căng thẳng, trở nên đầy ứ nhưng đừng bao giờ sợ hãi, cứ đơn giản đón nhận những gì bạn có thể đón nhận được và gạt bỏ (một cách tôn trọng) những gì bạn không thể đón nhận. Nói chuyện với người dân bản địa cũng là một trong những cách rất tốt để đón nhận được nhiều hơn. Ở Varanasi, nếu bạn trắng trẻo (rất may chúng tôi đen sì sì), nếu bạn có vẻ giàu có (cũng lại may là chúng tôi có vẻ, mà thực ra là đúng là không có nhiều tiền), bạn sẽ được/bị những người dân chào mời với đủ mọi thứ khác nhau. Có điều, họ chỉ chào mời chứ không định tấn công hay cướp giật gì của bạn đâu nên nếu bạn sẵn sàng nói chuyện với họ, có thể câu chuyện sẽ trở nên rất thú vị. Ấn Độ có tới 1 tỷ người và ai cũng phải sống mà!

Varanasi's Sweets

Điều cuối cùng muốn nói trong những mẩu ký ức vụn vặt về Varanasi có lẽ là … kẹo. Kẹo ở Varanasi ngon tuyệt, hương vị rất tuyệt. Trước khi về khách sạn, chúng tôi rẽ vào một hàng kẹo ở trên phố và lắng nghe người bán hàng giải thích từng loại kẹo một một cách hăng say và kiên nhẫn. Kẹo ở Varanasi có nhiều mùi khác nhau và một khi đã ăn thì mọi mùi vị curry, vị masala mà bạn đã ăn trong bữa tối sẽ tan biến. Chỉ còn mùi thơm đi theo giấc ngủ của bạn, điều mà bao nhãn hiệu kem đánh răng đã cố gắng làm nhưng vẫn chưa được.

————————————————————–

Varanasi thánh thần không phải vì những phép màu hoành tráng, sông Hằng linh thiêng cũng không phải do những phép màu hiển hiện mà nó đem lại. Điều màu nhiệm nhất của Varanasi và hệ thống Ghat của nó có lẽ là sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa linh thiêng, giữa thánh thần và đời sống. Ở bãi trên, người ta đốt xác và thả tro (cùng xương chậu xuống sông vì người lái đò của chúng tôi nói rằng lửa không thể đốt được cháy hết xương chậu nên khi tàn lửa, người thân sẽ cầm xương chậu của người chết ném xuống sông), ở bãi giữa người ta trầm mình xuống dòng sông linh thiêng để tắm (có thể là lần duy nhất trong đời), ở trên bờ, những chú bò nằm im tắm nắng và ngắm nhìn cảnh vật một cách hờ hững. Sự linh thiêng mà ai cũng cảm nhận được, sự linh thiêng mà ai cũng có thể chạm tới đã giữ cho Varanasi còn nguyên vẹn về mặt linh hồn cho tới tận ngày nay, để một người khách du lịch chỉ dừng chân ở đó chưa đầy 3 ngày cũng có thể cảm nhận được. Cũng giống như ngài thủ tướng Deve Gowda đọc nguyên một bài diễn văn mà chẳng hiểu mình đọc gì, người lái thuyền của chúng tôi mặc dù là dân Varanasi cũng không hiểu tại sao đang rước nữ thần Saraswati trang trọng như vậy lại … ném tùm tượng của bà xuống sông Hằng và mặc kệ cho những bức tượng đó hôm sau dạt vào bờ với bộ dạng xấu xí. Người lái thuyền đó chỉ biết rằng làm thế là tốt cho Saraswati và cũng là tốt cho những người hiến tế. Vì vậy, nếu có dịp tới Varanasi, bạn hãy tự nhiên và thanh thản mà tận hưởng mọi thứ ập đến với bạn bởi vì cho dù với bất cứ lý do nào, những sự tốt đẹp hay xấu xa cũng sẽ được nước sông Hằng linh thiêng gột rửa.

(backup từ buzz.tl)