Bắc Ấn : ngoáy mũi ở Kolkata

Old street corner

Điểm cuối trong cuộc hành trình Bắc Ấn ngắn ngủi của chúng tôi là Kolkata. Nếu đã nói tới đạo Hồi với đế chế Mughal ở New Delhi-Agra, đạo Hindu với những nghi lễ lâu đời ở Varanasi, đạo Phật ở Bodh Gaya-Sarnath thì chắc hẳn cũng phải nói tới những người Anh ở Kolkata cho đủ. Người Anh không phải là những người châu Âu đến Ấn Độ đầu tiên (vì Vasco de Gama đã tới Kerala vào năm 1498) nhưng chắc chắn là những người châu Âu đã gây ảnh hưởng rõ rệt nhất lên quốc gia này. Suốt thế kỷ 19 cho tới đầu thế kỷ 20, Ấn Độ hùng mạnh đã nằm trong sự điều khiển của người Anh. Phải nhờ tới công lao của Mohandas Gandhi và tiếp đó là Nehru, Ấn Độ mới dành lại độc lập vào ngày 15/8/1947. Cái ngày mà đế chế British Raj kết thúc, cái ngày mà người Anh phải rời khỏi Ấn Độ cũng là ngày mà nước Anh bắt đầu mất dần vị trí của mình trên thế giới vào tay các nước mới nổi lên như Mỹ.

————————————————-

Yellow cabs of Kolkata

Thực ra trước khi đi Ấn Độ, trong đầu chỉ tâm niệm tới được 3 điểm là Taj Mahal, Varanasi và Bodh Gaya là ổn lắm rồi. Thế nên chúng tôi không có plan gì cụ thể cho Kolkata cả. Thời gian dành cho thành phố này cũng chỉ là 1 ngày rưỡi và kế hoạch đi chơi chỉ được phác thảo ra trong hơn 9 tiếng ngồi tàu hỏa từ Gaya tới Kolkata. Cảm giác đầu tiên là một thành phố ồn ào, đông đúc và tắc đường kinh khủng. Đi từ ga chính Sealdah về khách sạn bằng chiếc taxi vàng cổ kính y như taxi của New York (cái taxi của NY mới chỉ được xem phim chứ chưa được đi), tắm rửa và quay trở lại khu phố chính Park Street để ăn tối. Người Hindu thì thờ bò còn người Hồi giáo thì ghét lợn, do vậy thực đơn ăn uống của chúng tôi gần 10 ngày nay chỉ toàn gà. Hết Masala lại tới gà theo kiểu Afghan, ngon thì ngon thật mà ăn mãi cũng ngộp thở. Quyết định chọn Mocambo vì đơn giản quán ăn này nằm trong phần Multicuisine của Lonely Planet.

Phật tử mà chúng tôi gặp trên tàu hỏa đi từ Varanasi tới Gaya (được nhắc trong bài trước) là người Kolkata. Ông nói rằng khi tới Kolkata chúng tôi sẽ thấy một thành phố khác hẳn, biết cách hưởng thụ cuộc sống chứ không chỉ có lao động và lao động miệt mài như ở New Delhi. Quả thật là vậy! Mocambo đầy ắp những người đợi phía bên ngoài và chúng tôi cũng phải xếp hàng 30 phút mới được vào ăn. Quán tương đối sang, menu đa dạng, đồ ăn rẻ (tôm hùm ăn tính ra có 200K VND/đĩa), phục vụ chu đáo cho dù chúng tôi sau quãng thời gian dài đi tàu hỏa cũng khá nhem nhuốc. Tối đầu tiên tới Kolkata có lẽ là tối sang trọng nhất trong số các tối chúng tôi ở Ấn Độ.

————————————————-

Ngày hôm sau, đúng ngày Valentine lại quay trở lại chế độ tiết kiệm của những người đi bụi. Mặc dù taxi ở Kolkata khá rẻ (rẻ hơn ở VN) và rất nhiều nhưng chúng tôi quyết định sẽ đi thử tàu điện ngầm để tới các điểm thăm quan. Đã được đi gần hết các loại phương tiện di chuyển ở Ấn Độ, ở New Delhi thì được khuyên là không nên đi tàu điện ngầm vì không an toàn, ở Kolkata lại có tàu điện ngầm thì phải đi ngay. Không biết có an toàn hay không nhưng ba ngày chúng tôi tới Kolkata thì cả ba ngày có biểu tình nên cảnh sát đầy khắp nơi, tha hồ an toàn. Vé tàu điện ngầm thì quá rẻ (4 RP ~ 2000 đồng cho một chặng tốn khoảng 100 RP tiền taxi).

Victoria Memorial - European clone of Taj Mahal

Phần lớn những điểm thăm quan du lịch nổi tiếng tại Kolkata thì đều có dính tới người Anh. Người Anh đã từng định xây một khu London thu nhỏ ở đây, vậy nên không lạ gì khi có vườn hoa, nhà thờ và các khu nhà kiểu phương Tây. Tuy nhiên điểm thăm quan nổi bật nhất của Kolkata chịu ảnh hưởng của người anh là Victoria Memorial lại là phiên bản châu Âu clone lại của Taj Mahal – cầu kỳ, rườm rà và vô hồn hơn Taj rất nhiều. Một trong những điểm thăm quan nhiều màu sắc khác mà bạn có thể đến được là đền thờ của người theo đạo Jain, nhiều màu sắc, nhiều phong cách (châu Âu xen lẫn châu Á) hơn cả các tòa thành Cao Đài tại Việt Nam. Thứ hai ở Ấn Độ lại là ngày nghỉ, vậy nên ngoài đền thờ của người Jain, các địa điểm nổi tiếng khác như bảo tàng Ấn Độ, Victoria Memorial, Marble Palace chúng tôi đều chỉ được đứng ngoài nhìn, quả thật là xui quá!

Không biết có phải do biểu tình hay không mà Kolkata trong những ngày chúng tôi đến tắc đường kinh khủng khiếp. Bạn có thể ngồi trên taxi tới cả 1h chỉ để nhích được chưa tới 1km. Là thành phố lớn thứ hai của Ấn Độ, Kolkata có tới 15 triệu dân, đủ để xếp hạng metro-city. Không hiểu cho tới khi Sài Gòn và Hà Nội phát triển thành metro-city mà lại không có hệ thống tàu điện ngầm thì mọi chuyện sẽ còn tồi tệ như thế nào. Tuy vậy, việc tắc đường lại cho chúng tôi một trải nghiệm thú vị khi quyết định đi bộ dọc theo các con phố khác nhau để tìm bến tàu điện ngầm trở về nhà. Chỉ khi đi bộ qua các con phố khác nhau của một thành phố, bạn mới cảm nhận được rõ nhịp sống của thành phố này.

Nếu Ấn Độ là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới thì Kolkata được bầu là thủ đô ô nhiễm của quốc gia này. Theo thống kê thì cứ 10 người ở Kolkata lại có 7 người bị mắc các loại bệnh khác nhau và một năm thì có 18/100.000 người bị mắc ung thư phổi. Quả thật tới Kolkata, tôi bắt đầu hắt xì liên tục và thấy cả những người dân bản địa xung quanh cũng hắt xì như vậy. Mũi thì đen xì, đi tàu điện ngầm cả một ngày mới phát hiện ra do mình đứng ngay dưới quạt thông hơi của tàu điện ngầm nên muội bay vào mũi.

————————————————-

Poetic or chaotic city, Kolkata?

Bỏ qua tất cả những điều phiền toái trên, Kolkata còn được biết tới như trung tâm văn hóa nghệ thuật của Ấn Độ. Thành phố của mẹ Teresa chắc hẳn sẽ luôn tự hào về nhà thơ vĩ đại Tagore, người đã được giải Nobel văn học năm 1913 với tập Thơ Dâng. Kolkata với những ngôi nhà cổ theo phong cách châu Âu, với các loại xe đủ kiểu đầy màu sắc, với những tấm sari dài 5-7 mét được phơi ở cửa sổ thực ra cũng rất nên thơ. Thế nhưng, có lẽ bạn chỉ có thể cảm nhận được điều này khi bạn tâm niệm trong đầu rằng bạn là khách du lịch, bạn rất rảnh, bạn tới đây chỉ với mong muốn tìm hiểu và khám phá Ấn Độ. Nếu không chấp nhận những điều trên, sợ rằng bạn sẽ khó có thể kiên nhẫn với một Kolkata đầy ắp người và xe. Phải chăng, đó là lý do khiến Tagore đã viết trong tập Thơ Dâng của mình như sau :

Thời gian là vô tận trong tay Người, hỡi Chúa của con. Không ai đếm được những phút của Ngườì

Ngày và đêm qua đi, năm tháng nở rồi tàn như những bông hoa. Người biết chờ đợi.

Những thế kỉ của Người nối nhau hoàn thiện một bông hoa dại nhỏ nhoi.

Chúng con không có thời gian để mất, và vì không có thời gian, chúng con phải giành giật cơ hội.

Chúng con quá nghèo nên không thể chậm trễ.

Và như vậy thời gian trôi qua, trong khi con trao nó cho bất cứ ai cáu kỉnh đòi hỏi nó, và bàn thờ của Người không có bất kì lễ vật gì.

Lúc ngày tàn, con vội vã vì sợ chẳng may cửa của Người sẽ đóng; nhưng rồi con nhận thấy vẫn còn thời gian.

Kỉ niệm vui cuối cùng khi rời khỏi Ấn Độ là tại sân bay DumDum, sân bay quốc tế ở Kolkata. Khi đi qua cửa biên phòng để đóng dấu xuất cảnh vào hộ chiếu, chúng tôi đã bị giữ lại bởi không có visa vào Malaysia. Mất công giải thích hơn 15 phút cho đủ các officer đang lần lượt gọi nhau ra xem vì có một “interesting case”, khi đã được đóng dấu xuất cảnh và lên phòng chờ lại tiếp tục có một officer khác mặt mày rất nghiêm trọng lên hỏi lại và lại tiếp tục được nghe giải thích rằng, Việt Nam thuộc Đông Nam Á nên vào Malaysia không cần hộ chiếu. Tagore nói “không còn thời gian” chứ chúng tôi thấy các officer ở Kolkata có rất nhiều thời gian mới đúng!

————————————————-

Rời khỏi Ấn Độ, quay trở quá cảnh tại Kuala Lumpur 14 tiếng, khi đi thăm tháp Petronas thật trùng hợp chúng tôi lại ngồi đúng xe của một bác tài gốc Ấn. Sở dĩ nhận ra được gốc Ấn vì bác tài có thờ thần Ganesh. Tuy nhiên bác tài lại sinh ra ở Malaysia và chưa từng sống tại Ấn Độ bao giờ. Nếu người Ấn Độ không mấy ai biết tới Việt Nam là quốc gia nào thì bác tài xế taxi này lại biết rõ Việt Nam vì có xem SeaGames và ấn tượng lớn nhất về Việt Nam của bác là xe máy và còi xe máy. Nghĩ bụng, quả thật có khi chả có cái quốc gia nào trên thế giới lại có nhiều xe máy như Việt Nam. Bác tài cũng nói rằng nếu có quay trở lại Ấn Độ, chắc chỉ quay lại để hành hương và cúng tế chứ không bao giờ có ý định sống ở Ấn Độ.

10 ngày là rất ngắn để cảm nhận được hết mọi thứ, thế nhưng không biết có phải vì đi du lịch hay không mà chúng tôi cảm giác Ấn Độ quả thật rất Incredible, đúng như cái tên campaign Incredible India mà Bộ Du Lịch Ấn Độ đã thực hiện. Người Ấn Độ tương đối thân thiện và thích giúp đỡ người khác khi có thể. Lại nghĩ bụng, có phải do gặp sơ nên mới quý mến nhau nhiều thế hay chăng? Chỉ biết rằng, khi đi Ấn Độ về đã học được nhiều hơn cách đối mặt và hưởng thụ mọi điều bất ngờ xảy đến trong cuộc sống. Chắc chắn sẽ còn những chuyến đi tiếp tới Ấn Độ, tới các vùng khác, gặp và nói chuyện với những con người khác, những sự bất ngờ khác trong tương lai gần!!!

(backup từ buzz.tl)