Bắc Ấn : New Delhi – Agra với những công trình Hồi giáo tráng lệ

In the Chatta Chowk Bazar / Meena Bazaar of Red Fort

Chỉ có 10 ngày là quá ngắn ngủi để hiểu về một đất nước, nhất là một đất nước đặc biệt như Ấn Độ. Ở Ấn Độ có tất cả mọi thứ đối chọi với nhau nhưng lại tồn tại cùng với nhau theo một cách kỳ lạ. Không kỳ lạ làm sao được khi một đất nước có tới hơn 2000 đẳng cấp (chính và phụ) khác nhau, hơn 22000 ngôn ngữ và thổ ngữ cùng với hơn 300 cách nấu một củ khoai tây? Không kỳ lạ làm sao được khi một đất nước có tới 81% người Hindu nhưng vào tháng 5/2004, một người theo đạo Thiên Chúa, gốc Ý lại được bầu lên dẫn đầu chính phủ (bà Sonia Gandhi) rồi sau đó đã khôn khéo từ chức để chuyển giao cho một người Sikh (Dr Manmohan Singh) trong lúc tổng thống của đất nước này lại là một người theo đạo Hồi (tổng thống Abdul Kalam). Không kỳ lạ làm sao được khi hai người Ấn gặp nhau trên tàu hỏa, trên máy bay nếu không quen biết nhau sẽ nói chuyên với nhau bằng … tiếng Anh trước khi xác định xem mình có nói chung một thứ ngôn ngữ hay không. Dường như mọi thứ ở Ấn Độ đều là số nhiều, đều phức tạp, đều có lý do của nó và đều liên quan đến một điều gì khác. Thế nhưng tất cả những thứ này lại hòa quyện vào với nhau quyến rũ tới kỳ lạ. Người Ấn nói rằng, ở Ấn Độ không có bất cứ dân tộc nào là dân tộc thiểu số (hoặc dân tộc nào cũng là dân tộc thiểu số hết cả), vì vậy để khám phá hết có lẽ chắc cả đời cũng không hết. Với hành trình New Delhi – Agra – Varanasi – Bodgaya – Kolkata, tôi sẽ viết một chùm các bài thuật lại chuyến đi của mình pha lẫn cảm nhận riêng của mình để cố gắng thuyết phục người đọc rằng đây thực sự là một đất nước mà bạn nên đến, nên dành một lát cắt thời gian của cuộc đời để nhấm nháp nó.

————————-

Reflection

Bài đầu tiên, viết về New Delhi và Agra. Nhắc tới Ấn Độ, không thể không nhắc tới Taj Mahal, một trong 7 kỳ quan hiện đại của thế giới và có lẽ cũng là một trong những danh lam thắng cảnh được du khách khắp nơi chụp ảnh nhiều nhất thế giới. Thế nhưng, để tóm gọn lại vể New Delhi và Agra trong vòng một từ thì chắc chắn đó sẽ là Mughal.

Mughal là một đế chế bắt đầu từ thế kỷ 16, sau đó đã phủ rộng gần như toàn bộ Ấn độ trong thế kỷ 17 và 18. Người khởi đầu Mughal là Zahir Babur, có cha là hậu duệ của những người Timur (đoạn này xin xem thêm Wikipedia để tránh bị loãng), mẹ là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn. Thời đại này cũng là thời đại rực rỡ nhất của đế chế Mughal, kéo dài cho tới năm 1707 bởi cái chết của Hoàng đế Aurangzeb.

Tại sao lại nói tới Mughal khi đi thăm New Delhi và Agra? Bởi vì những công trình đồ sộ nhất, đẹp nhất và đáng chiêm ngưỡng nhất còn sót lại bây giờ tại New Delhi và Agra đều được xây dựng bởi những ông vua của đế chế này. Bởi vì Agra là nơi mà Babur đã đánh chiếm và lấy nó làm nền tảng để phát triển nên đế chế này. Lần theo lịch sử của Mughal, các di sản thế giới tại New Delhi và Agra bao gồm có :

  • Agra Fort : tòa thành của Agra đã được xây dựng từ trước thời Mughal và sau này được các vua Mughal sử dụng để làm nơi điều hành đất nước
  • Humayun’s Tomb : lăng mộ của hoàng đế Humayun, con của Babur
  • Fathehpur Sikri : thành phố được Akbar, con của Humayun xây dựng. Akbar là vua thứ 3 của triều đại Mughal cổ điển và cũng là ông vua chói sáng nhất trong triều đại này nhưng cũng là ông vua đã đàn áp đạo Hindu dã man nhất để áp đặt người dân Ấn Độ lúc đó phải theo đạo Hồi.
  • Red Fort : thành cổ nằm trong vùng Old Delhi, được xây dựng bởi Shah Jahan, cháu của Akbar. Sau khi thành này được xây dựng thì nơi điều hành đất nước đã được chuyển từ Agra về Delhi (cách nhau khoảng 200km)
  • Taj Mahal : ngôi mộ được dành cho người vợ thứ 3 của Shah Jahan, người đã chết trong khi sinh đứa con thứ 14 cho ông vua này.

————————-

Taj Mahal from Agra Fort

Quãng thời gian tại New Delhi – Agra chỉ có trọn vẹn hai ngày (thực ra có 4 ngày nhưng có 2 ngày đã di chuyển rồi), do đó chúng tôi quyết định sẽ tập trung vào đi thăm Red Fort, Agra Fort và quan trọng nhất là Taj Mahal, bởi cũng “háo danh” như mọi người khác, nếu đến Ấn Độ mà không thăm Taj Mahal thì đến làm gì? Đi tàu hỏa từ New Delhi tới Agra vào đầu giờ chiều, check-in tại khách sạn và bổ nhào đi thăm Agra Fort bởi đây là một trong những nơi có thể ngắm nhìn Taj Mahal một cách rõ nhất. Sau đó đi ngủ để sáng hôm sau dậy sớm. Taj Mahal bắt đầu mở cửa vào lúc 6 giờ sáng. Chính xác hơn, Taj mở cửa bắt đầu khi nào mặt trời mọc. 6 giờ sáng mặt trời không mọc thì không mở. 6h30′ có mặt tại cửa Đông và bắt đầu xếp hàng vào thăm Taj. Nhận thấy đây là một trong những điểm quan trọng trong hành trình của mình, chúng tôi đồng ý thuê một anh guider người Ấn (nhưng nói tiếng Anh khá Anh) để hướng dẫn với giá tương đối chấp nhận được (300 RP ~ 150.000 VND cho 2h đồng hồ). Nếu bạn nhìn bức ảnh ở đoạn trên sẽ thấy Taj Mahal buổi sáng sớm có màu vàng, trong khi nắng lên cao thì lại có màu trắng và nếu bạn không chịu khó dậy sớm, bạn sẽ không được chiêm ngưỡng Taj Mahal được nhuộm nắng vàng.

Vào Taj Mahal phải đi qua cửa an ninh khám xét rất kỹ. Không được mang chất nổ (đương nhiên!), không được mang tripod, không được mang đồ sắc nhọn, không được mang thức ăn (và trên biển cấm mang cả di động nhưng anh guider nói giờ mà cấm di động thì chết, ai chả có di động). Túm lại, không được mang bất cứ thứ gì có thể làm ảnh hưởng tới Taj. Mất tới 20 phút để xếp hàng và được kiểm tra mới vào được, may mắn là lúc đó mặt trời vẫn chưa lên cao.

Taj Mahal là một công trình thực sự vĩ đại và gây choáng ngợp cho bất cứ ai tới thăm nó. Được xây dựng mất 22 năm, trong đó có 17 năm chỉ dành để xây dựng lăng mộ bằng đá cẩm thạch trắng và 5 năm còn lại để xây các công trình xung quanh. Taj Mahal được xây một cách đối xứng tới hoàn hảo vào cái thời mà người ta còn chưa có máy tính và các công cụ hỗ trợ hiện đại như bây giờ. Tuy vậy, trong lúc xây dựng Taj Mahal, người con út và cũng là người con giỏi nhất của vua Shah Jahan là Aurangzeb đã lần lượt giết chết các anh trai của mình để sau khi hoàn thành Taj Mahal 5 năm, Aurangzeb đã chiếm ngôi của Shah Jahan và nhốt ông này vào trong Agra Fort (thật ra cũng không oan vì chính Shah Jahan cũng đã từng giết hết những người anh em họ của mình để lên ngôi). Trong 8 năm còn lại của cuộc đời, vua Shah Jahan chỉ còn có thể được nhìn thấy ngôi mộ của người vợ yêu từ cách xa 2km. Trước khi chết, Aurangzeb đã cho Shah Jahan một ước nguyện cuối cùng và ông này đã ước mình được chôn cạnh người vợ yêu của mình. Vì vậy, điều bất đối xứng duy nhất trong toàn bộ cả công trình Taj Mahal chính là phòng mộ nằm chính giữa. Trước đây, phòng mộ này chỉ có duy nhất một ngôi mộ của bà hoàng hậu thứ ba nằm ở giữa, tuy vậy sau khi Shah Jahan chết đã được đặt cạnh ngôi mộ này về phía bên trái.

Trước khi cùng đi vào viếng mộ hoàng hậu và chỉ cho chúng tôi thấy những chi tiết tỉ mỉ hơn, anh guider nói rằng Shah Jahan khi xây dựng Taj Mahal đã không hề muốn xây một lăng mộ. Ông muốn xây một cung điện thật đẹp, nằm ở giữa đất và trời và là nơi mà mọi người sẽ còn tới thăm bà hoàng hậu thứ ba – vợ yêu của ông. Quả thật, cho tới bây giờ ngay cả khi đã bị quân Anh gỡ hết vàng bạc, đá quí trang trí thì Taj Mahal vẫn thực sự là một công trình hoàn mỹ khiến người ta phải ngưỡng mộ.

Phải rời khỏi Agra vào buổi chiều cùng ngày cho đúng với lịch di chuyển, chúng tôi vẫn cố nấn ná trên tầng thượng của khách sạn Taj Plaza, cách cửa đông của Taj Mahal khoảng 600m để thưởng thức một ly Chai (trà pha sữa, gừng, hồi… đun nóng) và lặng im ngắm Taj Mahal. Đó thực sự là một trong những biểu tượng rõ ràng nhất của đất nước Ấn Độ với tất cả các mâu thuẫn đan xen, hòa quyện với nhau. Ai tưởng tượng được một đế chế đã đánh Đông dẹp Tây, đàn áp, giết người không ghê tay, phá hủy đền đài của người Hindu để bắt họ phải theo đạo Hồi lại có thể có một ông vua dành hơn 20 năm để xây nên công trình tình yêu đẹp và lãng mạn tới mức mà Tagore đã phải gọi nó là “A tear drop on the cheek of time”?

————————-

4 ngày đầu tiên ở Bắc Ấn với New Delhi và Agra đã giúp chúng tôi làm quen dần với người Ấn Độ, với cách họ đồng ý (gật đầu sang một bên chứ không phải lắc đầu như mọi người vẫn nói), với giá cả, với những đám đông xe cộ chạy bạt mạng trên đường, với hệ thống đường sắt của Ấn Độ. Trên chuyến tàu quay trở về New Delhi để bay tới Varanasi, chúng tôi gặp một anh bác sỹ thú y người Ấn. Điều ngạc nhiên nhất là anh này có một cô bạn người Việt Nam … quen qua Internet chat và thậm chí anh bác sỹ còn gọi điện thoại cho cô bạn này để khoe rằng gặp hai người Việt Nam trên tàu. Thế giới quá phẳng, phải không? Thế nhưng, nếu Tom Friedman mà tới Ấn Độ, đặc biệt tới Varanasi (sẽ được nói tới trong phần tiếp theo) thì chắc chắn ông này sẽ phải suy nghĩ lại rất kỹ khi viết cuốn sách về chiếc xe Lexus và cây Olive. Có lẽ Varanasi chỉ “phẳng” theo cái cách mà cả 2000 đẳng cấp khác nhau đều cúng tế, đều tắm và đều được đốt xác trên một dòng sông thiêng liêng – sông Hằng.

(backup từ buzz.tl)