Thế hệ chới với

Nhân đang làm research về GenY, copy lại bài này viết ở Y!360 vào 13Jun2007 suy nghĩ về thế hệ của bản thân mình, sau khi ngồi uống rượu với một gia đình họa sỹ không quen biết tại Hồ Tây vào một buổi chiều giông bão.

City with a stormy hat (2)

Đoạn mở đầu câu chuyện sẽ chẳng ăn nhập chút nào với đầu đề. Số là hôm nay chẳng làm được gì, nhớ rằng cần phải đi chụp hoa sen cho một người thân ở rất xa muốn được cái cảm giác Hà Nội nên đã xách máy ảnh đi ra Bến Hàn Quốc. Sen thơm ngào ngạt. Sẽ thô bạo với mùi hương của sen nếu bạn cứ hít lấy hít để, hít thật lực. Sen là của đất trời, hương sen cũng là của đất trời, thế nên hãy cứ để cho hương sen từ từ ngấm vào bạn, ngấm vào khứu giác, vào vị giác, cùng với lá xanh bông đỏ lại chen nhị vàng, đó mới thật sự là sen. Biết làm sao để gửi cho người thân từng đó thứ được ?
Trời bắt đầu đổ giông. Mây đen kéo đến rất nhanh. Vẫn cứ thản nhiên vì muốn thưởng thức trời giông, muốn đứng giữa đất trời để có cảm giác mình chẳng là cái gì, mình thật sự bé nhỏ. Cô chủ đầm sen gói cho hai chục sen, hai bông sen có ướp trà ở trong để sáng mai vừa thưởng sen bằng mắt, vừa nhấp một chén trà có cả sương, cả hương sen, hương của trời đất (trà được cho vào bông sen lúc bình minh, sen vừa mới hé).
Cùng mua sen có một gia đình, hai cô chú, có lẽ là khoảng gần gần tuổi nhau và em gái. Theo dáng điệu và cách nói chuyện thân tình thì có lẽ cô chú là khách quen của đầm sen. Thấy chụp ảnh cô chú mới chỉ, à chỗ này đẹp, chỗ kia mây giông đẹp quá, rồi mới lộ ra rằng cô chú đều đang làm nghệ thuật, làm họa sỹ. Giông tới rồi. Định chạy ra hồ để xem giông, nghĩ thế nào tiếc cái máy ảnh mượn mà hỏng thì chẳng biết bao giờ mới có tiền mua lại, lụi cụi chui vào lều của cô chủ đầm sen cùng gia đình cô chú.
Trước lạ sau quen, đầu tiên chẳng biết nói chuyện gì, ngồi ngắm giông và bắt đầu là mưa rất to. Mưa đằng Đông vừa trông vừa chạy, mưa đằng Nam vừa làm vừa chơi, còn mưa đằng Tây mưa dây bão giật (chẳng hiểu đúng chính tả ko nữa – nhưng mưa thật là to). Cô ngồi nhìn và nói rằng, dưới mưa, những lá sen cứ lấp lánh lấp lánh trông thật đẹp. Mặt trên của lá chắc là để hấp thụ ánh sáng mặt trời nên nhiều diệp lục, xanh mát mắt, mặt dưới thì nhạt hơn, lúc giông gió thổi lật qua lật lại đúng là lấp lánh. Ngồi im nhìn mưa, nghĩ rằng lúc đầu mình thấy sen yếu đuối thật là sai lầm, dưới mưa sen vẫn đẹp, bình lặng và cứng cỏi, có chăng chỉ hòa cùng nhịp của cơn giông mà thôi. Chú gọi một chai rượu Vodka to. Cô chủ quán mời mận. Nếu mà đúng dân nhậu thì có lẽ thế là quá đủ rồi. Rượu vào và lời bắt đầu ra. Đầu tiên là về cô con gái độc nhất của gia đình, muốn đi du học nhưng lại yếu ớt không tự lập nên bố mẹ lo không cho đi. Câu chuyện chỉ thực sự bắt đầu rôm rả khi chú nói về bạn chú, sử dụng bàn vẽ điện tử để thay cho giá vẽ. Bắt đầu những câu hỏi, những câu trả lời được bầy ra bàn rượu, sen vẫn bình lặng đứng dưới giông. Chú nghĩ gì khi khoa học phát triển nhanh, các trào lưu đến và đi cũng nhanh. Câu trả lời có hai điểm nhấn, “kinh điển” – tồn tại mãi mãi và “tính thời đại” – được ưa thích bởi xuất hiện đúng thời đại. Chú nghĩ thế nào khi mỹ thuật nước nhà không thật sự phát triển ? Câu trả lời, mỹ thuật nước nhà thực sự vẫn phát triển tốt hơn các bộ môn nghệ thuật khác. Cũng có điểm nhấn, “tính độc lập” – người làm mỹ thuật không quá phụ thuộc vào cộng sự như âm nhạc (cần có nhạc công tốt, cần có phối khí tốt) và “chới với”.
Đó thực sự là một quan điểm cá nhân đáng để lưu tâm. Chẳng phải trẻ con, chẳng phải các cháu, mà là bọn chú cũng đang “chới với”. Mà khi người lớn còn chới với, làm sao trách được trẻ con. Không chỉ riêng nghệ thuật, kinh tế, khoa học, mình còn đang đứng ở hạ tầng, ở một vị trí thấp, mở cửa ra là thấy “chới với” liền. Nghĩ cho cùng, mình đâu có phải là gì ? Phải đến thế hệ bọn cháu, không, có lẽ thế hệ sau nữa sự “chới với” mới biến mất được. Cứ suy nghĩ mãi về một “thế hệ chới với”, nghĩ đến câu nói của cô em Đà Nẵng, “Anh có khả năng, tại sao anh không giầu có ?”. Có lẽ bởi vì đang hưởng thụ sự “chới với” mà lại không có “tính thời đại” để biến sự “chới với” của thiên hạ thành tiền của mình.
Cháu thú thật, cháu chẳng xem được tranh trừu tượng, cô chú nghĩ rằng có phải do nền giáo dục không ? Cả nhà lắc đầu. Chú nói tiếp, Picasso nói là muốn xem tranh thì phải cầm cọ vẽ, rộng ra là phải biết được ngôn ngữ của tranh, của họa, biết được cảm giác. Trừu tượng không mô tả sự vật, mà mô tả cái cảm của người nghệ sỹ về sự vật đó. Giọng chú đều đều, bình thản, mặc dù cháu thì đã bắt đầu ngấm rượu vì chưa ăn gì cả và chuyển sang món ngô luộc thơm phức do chủ nhà mời.
Đến giờ phải đi rồi, bắt tay cô chú và chẳng biết đến bao giờ mới gặp lại. Sen vẫn bình lặng và chẳng “chới với”, chỉ có người là lắc lư vì rượu, “chới với” vì những suy nghĩ đời thường.

(backup từ buzz.tl)