Fan cuồng & cuốn sách về Pixar

1.Mình không phải là fan của nhạc Rock, lại càng không phải và không hiểu fan cuồng là như thế nào. Mình chỉ thích nghe nhạc Rock. Bước chuyển lớn nhất của mình tới từ MTV và Aerosmith với bài hát “I don’t want to miss a thing”. Trước đấy thì slow-rock trên bản tin âm nhạc FM100 mỗi sáng cuối tuần cũng giúp mình yêu thích Rock hơn.

Gu âm nhạc của mình loạn xị. Mình lớn lên bằng tiếng hát của Khánh Ly (mẹ bật để ru ngủ), được đi học lõm bõm guitar cổ điển năm lớp 2 cho bớt nghịch, rồi thích nghe nhạc Jazz, nhạc cải lương, nhạc Chill, nhạc Rock, chèo, vọng cổ … Cái gì hay mình đều nghe hết cả.

2.”Fan cuồng” tạo ra cảm giác tốt, mặc dù trái ngang ở chỗ mình xem trong một cái rạp to bự với số lượng ghế ngồi chắc chưa tới 1/10. Có nhiều điểm vô lý, có nhiều trái ngang như chuyện anh Jonny Trí Nguyễn ngoài cái mã ra thì đóng film mà cứ như đã tiêm botox + lưỡi bị cắt mất một khúc. Bỏ qua tất cả, cảnh mọi người bật lửa lên khi nghe nhạc (thay vì bật điện thoại) đã mang lại cho mình đúng cảm giác cách đây 20 năm, khi mà được lẻ tẻ đi nghe live hồi còn sinh viên. Cốt truyện xuyên không, nhẹ nhàng, Thái Hoà biểu cảm tốt nên mình không đòi hỏi nhiều hơn (mặc dù nếu hỏi mình sẽ khoái xem School of Rock với lại Tenacious D hơn – đặc biệt là đoạn mix nhạc cổ điển với rock). Rock ngày xưa mình nghe cũng chỉ có cảm giác vậy, film gợi lại được cảm giác là tốt rồi. Chỉ e rằng, ngày nay đám hoài niệm đó không nhiều, vé ế mà thôi.

3.Mình thích điên cuồng film của Pixar. Giờ đọc “Vương quốc sáng tạo”, mình lại cứ vừa đọc vừa ngẩng mặt lên trời tự hỏi mình có nên khóc không. CEO của Pixar là dân kỹ thuật, có ước mơ cháy bỏng là dựng film hoạt hình bằng máy tính trong cái thời không ai tin vào công nghệ (và nói thật công nghệ lúc đó chưa đáp ứng được nhu cầu). Ông trải qua vật vã của việc đi thuyết phục nhà đầu tư, cổ đông chiến lược (Steve Jobs), thuyết phục đám đồng nghiệp. Cuốn sách quá hay để viết ra ở đây ngắn gọn, chỉ có thể nói kinh nghiệm và mức độ thành thật của tác giả đáng để bạn một lần làm “fan cuồng” mà đọc.

Đọc cuốn này, mình mới biết “Geri’s Game” – phim ngắn ưa thích nhất của mình do Pixar sản xuất là nhằm để cải thiện công nghệ, test công nghệ mới. Mục tiêu của họ lúc đó rõ ràng là cải thiện công nghệ thể hiện biểu cảm khuôn mặt – bảo sao ông già vừa khù khờ vừa lém lỉnh tới mức như vậy. Pixar mất 2 triệu USD để sản xuất film này và quan trọng họ hài lòng với những gì đạt được khi bỏ ra 2 triệu USD để thử nghiệm. Ngả mũ!

4.Film thì viết vội cho khỏi quên cảm giác tốt, sách sẽ đọc đi đọc lại để ngấm thêm những bài học. Và có lẽ phải tìm cách học thiền, để buông bỏ nhiều hơn, dành chỗ cho nhiều thứ mới hơn.